Theo kết luận điều tra của Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai liên quan đến vụ bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi, ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) bị bắt để xử lý về hành vi “Chống người thi hành công vụ) - đã được đình chỉ điều tra - thì ai cũng có thể thấy dấu hiệu của việc khai thác cát trái phép hoặc sai quy định là khá rõ.
Khó hiểu
Kết quả điều tra cho hay: Ngày 5-9-2015, Công an huyện Nhơn Trạch nhận được điện thoại của Công an xã Phước An báo tại khu vực DNTN Nhân Thiện Hòa đang thi công nạo vét luồng lạch trên sông Đồng Kho (nhánh hạ lưu sông Đồng Nai - PV) ở ấp Bà Trường, xã Phước An có xảy ra mâu thuẫn, xô xát giữa bà Ngọc và những người đang thi công. Công an huyện Nhơn Trạch đã cử 4 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường phối hợp với 3 công an xã để giải quyết.
Tại hiện trường, lực lượng công an ghi nhận có một nhóm người làm công cho DNTN Nhân Thiện Hòa là các ông: Nguyễn Thành Sự (còn gọi là Tuấn Lucky, SN 1974, ngụ huyện Nhơn Trạch), Nguyễn Thành Long (SN 1985, ngụ tỉnh An Giang) và một người tên Tâm. Lúc này, các ghe tại hiện trường không hoạt động tuy nhiên 3 người này bị bà Ngọc tố đã bắt, đưa bà vào rừng để đánh đập.
Cũng theo kết luận điều tra, lúc này tổ công tác đề nghị những người liên quan về trụ sở công an xã làm việc nhưng bà Ngọc không chịu, đòi lập biên bản về việc hút cát và đánh đập bà ngay tại chỗ.
Cùng thời điểm, bà Ngọc và những người trong gia đình thông báo với tổ công tác cách vị trí này khoảng 3 km đang diễn ra việc hút cát và yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ. Dù được yêu cầu không đi theo, bà Ngọc vẫn bám sát lực lượng chức năng để chứng kiến vụ việc. Tại địa điểm này, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 chiếc ghe gắn thiết bị đang bơm hút cát lên 2 sà lan. Ông Nguyễn Văn Giáp (ngụ tỉnh Tiền Giang) nhận là chủ các phương tiện đang thi công thuê cho DNTN Nhân Thiện Hòa nhưng không xuất trình được giấy tờ.
Theo kết luận điều tra, lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được việc hút cát này có phải là khai thác tài nguyên trái phép hay không (!?).
Cơ quan chức năng chỉ cho biết những ghe này đang khai thác cát nhưng… không có giấy tờ chứng minh, không có phao khép góc khu vực thi công như một đơn vị thi công được cấp phép.
Chính vì những lẽ đó, lúc tại hiện trường, vụ việc được đẩy lên cao trào. Bà Ánh Ngọc quyết liệt phản đối cơ quan chức năng kéo phương tiện đi nơi khác để xử lý mà yêu cầu tổ công tác phải lập biên bản ngay tại chỗ. Sự việc căng thẳng đến mức phía Công an huyện Nhơn Trạch phải điều thêm 6 cán bộ, chiến sĩ gồm các đội phó và cảnh sát 113 đến hiện trường.
“Tôi là người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, quyết liệt chống “cát tặc” để bảo vệ mình, thế nhưng kết luận điều tra vẫn chưa làm rõ về “cát tặc” mà chỉ nhăm nhăm vào người tố cáo là tôi…”, trao đổi với chúng tôi ngày 29-4, bà Ngọc nói.
Vòng vo
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện tình hình khai thác cát, nạo vét luồng lạch trên các khu vực sông Đồng Kho, Đồng Tranh, Thị Vải thuộc sông Đồng Nai vẫn rất phức tạp. Trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp lớn được cấp phép nạo vét, khai thác cát nhưng rất khó kiểm tra, kiểm soát. Việc giải quyết, xử lý của lực lượng chức năng khi phát hiện khai thác cát trái phép cũng không rốt ráo.
Liên quan đến thực trạng nhức nhối này, trao đổi với phóng viên ngày 29-4, đại tá Cao Hữu Nguyên - Trưởng Công an huyện Nhơn Trạch, nơi để xảy ra vụ việc “lùm xùm” - thừa nhận tình trạng khai thác cát ở địa bàn có nhiều phức tạp.
Với các đối tượng được nhắc đến trong kết luận điều tra, ông trưởng công an huyện xác nhận hầu hết là người của doanh nghiệp khai thác cát được cấp phép nhưng “không chịu” làm đúng theo quy định. Theo đại tá Nguyên, doanh nghiệp liên quan cũng đã bị xử phạt.
Liên quan đến vụ việc bà Ánh Ngọc và lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành, đại tá Nguyên cho biết vẫn tiếp tục xem xét các cá nhân liên quan để xử lý trách nhiệm. Riêng vụ bà Ngọc tố cáo lực lượng bảo vệ rừng, bước đầu đã có cơ sở để tiến hành khởi tố, điều tra.
“Riêng tình trạng “cát tặc”, chúng tôi vẫn bám sát, xử lý liên tục. Cách đây 2 ngày, chúng tôi bắt 2 ghe khai thác cát không trình được giấy tờ, là “cát tặc…” - đại tá Nguyên nói.
Từng định khởi tố bà Ngọc khi bà vừa tố bị đánh!
Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, trong thời gian xử lý vụ việc bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc tố cáo lực lượng bảo vệ rừng đánh đập, bắt trói và hủy hoại tài sản của gia đình bà, Công an huyện Nhơn Trạch từng có báo cáo, xem xét củng cố hồ sơ khởi tố hình sự bà Ngọc (và cả bố bà) về tội “Chống người thi hành công vụ”. Lực lượng thi hành công vụ được nhắc đến ở đây là lực lượng bảo vệ rừng.
Trong khi đó, theo hồ sơ vụ việc, chính lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành vào tháng 2-2016 đã xông vào chỗ ở của gia đình bà Ngọc đánh, trói người để “ngăn chặn việc xây dựng công trình trái phép” và bị gia đình bà phản kháng quyết liệt. Vụ việc xông vào nhà đánh đập do bà Ngọc tố cáo chưa xử lý xong thì bà lại bị bắt để điều tra về vụ việc cách đó từ nhiều tháng, sau này được xác định là lực lượng chức năng đã vi phạm luật tố tụng.
Bình luận (0)