Quần thể Khu Di tích lịch sử núi Voi (huyện An Lão, TP Hải Phòng) từ năm 1962 được Bộ Văn hóa, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), công nhận là khu di tích. Chính phủ xác định núi Voi có tầm quan trọng đặc biệt trong thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
Cấp sổ đỏ trái luật
Khu Di tích lịch sử núi Voi cách trung tâm TP Hải Phòng khoảng 20 km, thuộc 2 xã Trường Thành và An Tiến (huyện An Lão), tổng diện tích 137,75 ha. Nhiều hiện vật được tìm thấy tại đây chứng minh người cổ xuất hiện ở khu vực này cách đây khoảng 2.500 năm.
Năm 1962, Bộ Văn hóa đã xếp hạng núi Voi là di tích và danh thắng. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ xác định núi Voi có tầm quan trọng đặc biệt trong thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Đây là nơi chứa vũ khí bảo đảm cho lực lượng vũ trang TP Hải Phòng sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, từ năm 2012-2013, Chủ tịch UBND huyện An Lão - ông Nguyễn Văn Thông - đã cấp sai quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 6 hộ. Tại xã Trường Thành, ông Phạm Duy Sự được UBND huyện cấp sổ đỏ cho thuê 20.495 m2 đất để xây dựng khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Tại xã An Tiến, các ông Nguyễn Văn Sáu được cấp sổ đỏ thuê 6.055 m2 đất để xây dựng gia trại, nuôi trồng thủy sản; ông Nguyễn Kiên Cường và Phạm Phương Hoàn được thuê 16.821 m2 xây dựng khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản; ông Dương Việt Cường thuê 22.622 m2 đất thủy lợi; bà Vũ Thị Huệ thuê 6.862 m2 đất hoang hóa trồng lúa, ông Nguyễn Văn Quý thuê 9.819 m2. Tất cả diện tích đất này nằm ngay Khu Di tích lịch sử núi Voi. Trừ hộ của ông Phạm Duy Sự, khu đất các hộ còn lại nằm trong khu vực được UBND TP Hải Phòng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, trồng cây xanh. Vì vậy, việc UBND huyện An Lão cho phép các hộ trên được xây dựng khu sinh thái là không đúng với quy định.
Theo quy hoạch của ngành VH-TT-DL, khu đất thuê của 6 hộ trên nằm trong khu vực bảo vệ II của Khu Di tích lịch sử núi Voi. Trong đó, 4 hộ Nguyễn Văn Sáu, Vũ Thị Huệ, Nguyễn Kiên Cường - Phạm Phương Hoàn và Dương Việt Cường còn nằm trong vành đai an toàn kho K29 chứa đạn dược, vũ khí nên chỉ có thể làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, không được xây dựng nhà nghỉ, khu sinh thái...
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, không những cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai mục đích, đầu năm 2013, UBND huyện An Lão còn cấp phép cho ông Phạm Duy Sự xây nhà kho bằng gạch, bê-tông, 2 nhà sàn 2 tầng, nhà khách bằng gỗ, nhà điều dưỡng. Đến nay, ông Sự đã cho xây các khu nhà bằng gạch, bê-tông kiên cố, các nhà sàn bằng gỗ có giá trị cao... Còn hộ ông Nguyễn Quý Văn (xã An Tiến) đã tự ý “xẻ thịt” núi Voi, khai thác hàng ngàn mét khối đất, đá để làm đường dưới chân núi đi vào làng.
Tương tự, 2 ông Nguyễn Kiên Cường - Phạm Phương Hoàn cũng được chính quyền “làm ngơ” cho xây nhà nghỉ, khu giới thiệu sản phẩm vào tháng 11-2012, trong khi chưa có ý kiến của Bộ VH-TT-DL.
Tin cấp dưới nên tôi ký thôi!
Thanh tra của UBND TP Hải Phòng đánh giá việc UBND huyện An Lão cho các hộ thuê đất công ích thuộc quyền quản lý của các xã là không đúng quy định, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy hoạch. Cơ quan chức năng phát hiện trong 6 hộ trên đã xây dựng trái phép 19/23 công trình. Để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm chính thuộc về chủ tịch UBND huyện An Lão, chủ tịch UBND các xã Trường Thành và An Tiến...
TP Hải Phòng đã chỉ đạo lãnh đạo huyện An Lão kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay, việc xử lý vẫn “giậm chân tại chỗ”. Các hộ gia đình, cá nhân đã dừng thi công nhưng vẫn chưa tự tháo dỡ các công trình trái phép
Về sai phạm này, ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Các phòng, ban của huyện hiểu sai quy định dẫn đến tham mưu không chuẩn. Do tin lực lượng tham mưu nên tôi ký thôi”.
Bình luận (0)