xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xử nghiêm kẻ gây ra nợ xấu

Phương Nhung

Trong 600.000 tỉ đồng nợ xấu có tới 90% tiền của dân, chỉ 10% là của ngân hàng. Phải đưa số nợ xấu này quay trở lại nền kinh tế, ban hành cơ chế xử lý để ngăn nợ xấu phát sinh trong tương lai

Sáng 7-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Không lấy ngân sách để xử lý

Góp ý cho dự thảo nghị quyết, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, đại biểu (ĐB) QH Phạm Phú Quốc cho rằng vấn đề hiện nay là phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Khi đó, nếu tài sản bảo đảm là bất động sản thì các doanh nghiệp (DN) bất động sản và người dân sẽ quan tâm. Nếu tài sản bảo đảm là xe hơi thì các hãng xe hơi, taxi, Uber, Grab cũng sẽ quan tâm. Chỉ những gói nợ xấu thật sự mà thị trường khó xử lý thì có thể giao cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Đại diện đoàn Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), nhìn nhận trong hoạt động kinh doanh NH, nợ xấu phát sinh là tất yếu, còn cho vay còn nợ xấu. Trong đó, có những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nặng nhất là xuất phát từ những cú sốc của nền kinh tế. "Việt Nam là quốc gia duy nhất có nợ xấu vượt 10% tổng dư nợ mà không có tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đó là sự cố gắng rất lớn trong khi các quốc gia có rất nhiều NH bị đổ vỡ" - ông Thắng nói. Vị ĐB Hà Nội cũng nhấn mạnh trong 600.000 tỉ đồng nợ xấu có tới 90% tiền của dân và chỉ 10% của NH. Bởi vậy, việc cấp bách xử lý là ban hành cơ chế đặc thù để bảo vệ cho người dân, người gửi tiền trong hệ thống. "Làm sao chúng ta phải vận hành đưa 600.000 tỉ đồng quay trở lại kinh tế, số tiền này đủ xây dựng được 3 sân bay Long Thành" - ông Thắng phát biểu.

Về xử lý nợ xấu, ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đồng tình với việc dự thảo bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu để tránh chuyển chéo nguồn trong xử lý nợ xấu. Cùng với xử lý nợ xấu, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm, cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu.

Xử nghiêm kẻ gây ra nợ xấu - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank: Phải đưa 600.000 tỉ đồng nợ xấu trở lại nền kinh tế. Ảnh: Nguyễn Nam

Nhiều mức án nghiêm khắc

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến những vấn đề còn vướng mắc về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về việc phải xác định rõ thực trạng nợ xấu, nguyên nhân nợ xấu và việc xử lý trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc để gây ra nợ xấu.

Về vấn đề xử lý trách nhiệm nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh mọi hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo ông Hưng, thời gian qua, đã tiến hành xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm. NHNN cũng đã chuyển các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây tổn thất và nợ xấu cho NH sang cơ quan điều tra.

Cụ thể, từ năm 2011-2016, các cơ quan điều tra của Bộ Công an đã phát hiện và khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực NH; khởi tố bị can khoảng gần 200 cán bộ NH. Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực NH, có 128 cán bộ NH bị truy tố và xét xử. Trong đó nhiều đối tượng là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh của các NH, TCTD. Nhiều mức án đã được tuyên rất nghiêm khắc, kể cả án chung thân, tử hình.

Ngay tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), từ năm 2013 đến nay, đã xử lý trách nhiệm 352 cán bộ. Trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua cũng đã điều tra xử lý 65 vụ án tại Agribank, xử lý hình sự 122 cán bộ, trong đó có nguyên chủ tịch HĐQT, ủy viên HĐQT, tổng giám đốc và các lãnh đạo của Agribank.

Về nguyên nhân gây ra nợ xấu NH, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. "Giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm có trên 63.000 DN giải thể và phá sản, cũng là yếu tố làm gia tăng nợ xấu. Nhiều khách hàng vay NH còn chây ì, trốn tránh trách nhiệm trả nợ" - ông Hưng đánh giá.

Cần cơ chế cho thu hồi nợ

Cho ý kiến về mối quan hệ giữa Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD với Luật Các TCTD, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho hay theo quy định của nghị quyết, sau 5 năm sẽ hết hiệu lực thi hành. Trong khi đó, nợ xấu luôn đồng hành với quá trình phát triển kinh tế nên không thể xử lý một lần là xong. Do đó, cần có khuôn khổ pháp lý ổn định để có căn cứ xử lý những vấn đề liên quan đến nợ xấu phát sinh trong tương lai.

ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An, nêu thực tiễn trong thi hành án dân sự, việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp do luôn gặp sự chống đối quyết liệt của người có tài sản; thậm chí nhiều trường hợp tấn công người thi hành công vụ, tự thiêu… "QH nhất thiết phải có một cơ chế hết sức rõ ràng, phù hợp để xử lý những vấn đề này, nhất là đối với chi nhánh NH nước ngoài khi thu giữ, xử lý" - bà Trang đề nghị.

T.Dương

Cấm khai thác làm thay đổi hệ sinh thái rừng

Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Liên quan đến những vụ việc như bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị trong luật phải bổ sung cấm những hình thức kinh doanh hoặc hoạt động khác làm thay đổi hệ sinh thái rừng.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị ban soạn thảo rà soát đầy đủ, đặc biệt là rà soát Bộ Luật Hình sự để có quy định các hành vi cấm một cách đầy đủ. Ông Nhưỡng cũng lưu ý từ vấn đề phá rừng tại Phú Yên để làm dự án du lịch, vụ việc bán đảo Sơn Trà…, phải làm thế nào vừa bảo vệ phát triển rừng vừa khai thác thế mạnh của rừng để phục vụ kinh tế - xã hội, dân sinh. "Không nên quá cực đoan cứ giữ rừng để thành hoang dã nhưng cũng không được để phá nát rừng" - ĐB Nhưỡng đề nghị.

V.Duẩn - Ng.Quyết

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo