Tốc độ đô thị hóa nhanh đã sớm đặt ra nhiều thách thức về giao thông của thủ đô. Để giải bài toán khó giao thông đô thị, hàng loạt biện pháp từ cấp bách tới lâu dài, căn cơ được đưa ra. Thí điểm tuyến BRT 01 là một trong những giải pháp đó.
Tuyến BRT 01 với tổng vốn đầu tư hơn 50 triệu USD được kỳ vọng vừa giảm thiểu ùn tắc giao thông vừa phát triển hệ thống giao thông công cộng, hiện đại hóa hệ thống giao thông của Hà Nội. Tuyến BRT 01 được thiết kế có thể vận chuyển 90 hành khách mỗi chuyến, tốc độ xe di chuyển 20-22 km/giờ, đi từ đầu tuyến tới cuối tuyến dài 14,7 km trong khoảng 40 phút... Tóm lại, đều là những "con số đẹp" trong bối cảnh giao thông ở Hà Nội đông đúc, di chuyển ngày càng khó khăn.
Tuy nhiên, ngay trước khi tuyến buýt nhanh được đưa vào thí điểm vận hành, khai thác từ ngày 1-1-2017, đã có những ý kiến băn khoăn về tính khả thi, cho rằng tuyến buýt này chưa phù hợp với thực trạng giao thông ở Hà Nội. Điều bất cập đầu tiên được chỉ ra là BRT 01 được triển khai trên tuyến đường khá hẹp, có nơi chỉ 3 làn xe nên khó có thể dành riêng một làn cho xe buýt nhanh. Thứ hai là ý thức giao thông cùng thực trạng ách tắc giờ cao điểm sẽ khiến các phương tiện khác, đặc biệt là xe máy, chạy vào đường dành riêng cho xe buýt nhanh. Thứ ba là muốn BRT phát huy được hiệu quả đúng như thiết kế thì cần có mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ, từ buýt thường tới BRT và nhất là đường sắt đô thị.
Hơn 4 năm nhìn lại thấy những điều cảnh báo từ trước trên đây đều đã xảy ra trên thực tế. Thế nên, có những ý kiến cho rằng tuyến BRT 01 là một thất bại thấy trước.
Dừng hay tiếp tục thí điểm tuyến BRT 01 là điều Hà Nội đang xem xét một cách toàn diện sau khi phân tích, đánh giá những điểm được và chưa được của loại hình vận tải công cộng hiện đại này. Để giải bài toán khó giao thông đô thị nói chung, Hà Nội từng có nhiều giải pháp như đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ... Và không ít giải pháp không đưa vào triển khai hoặc không hiệu quả do không khả thi, không phù hợp thực tế.
Buýt nhanh hay một giải pháp giao thông đô thị nào ở Hà Nội muốn đi vào cuộc sống đều phải đồng bộ, căn cơ, phù hợp với sự phát triển của hạ tầng giao thông công cộng cũng như ý thức của người dân, trình độ của cơ quan quản lý.
Bình luận (0)