Trước nhu cầu đưa nhanh ẩm thực truyền thống trở thành sản phẩm độc đáo của du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang xây dựng dự án "Xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh tổ nghề đầu bếp Việt Nam".
Bảo tồn ẩm thực truyền thống
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá nấu ăn là một nghề có truyền thống lâu đời, gắn liền với các tầng lớp trong xã hội và nguyện vọng của đội ngũ đầu bếp Việt Nam là được tôn vinh tổ nghề, người có công sáng tạo và phổ biến nghề cho cộng đồng dân cư. Trước nguyện vọng này cũng như nhu cầu đưa nhanh ẩm thực truyền thống trở thành sản phẩm độc đáo của du lịch Việt Nam, qua tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, hiệp hội du lịch dự kiến triển khai dự án xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh tổ nghề đầu bếp Việt Nam. Theo dự án này, hoàng tử Lang Liêu sẽ được suy tôn làm ông tổ nghề bếp Việt Nam.
Nghệ thuật ẩm thực Việt Nam ngày càng thu hút du khách quốc tếẢnh: HOÀNG TRIỀU
Giải thích về lý do chọn Lang Liêu, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay ngay từ thuở đầu dựng nước, truyền thuyết bánh chưng, bánh giầy đã khẳng định nguyên lý của ẩm thực Việt Nam là cân bằng âm dương và ngũ hành tương sinh. Nhờ vậy món ăn Việt trông đơn giản nhưng đã đạt đến độ tinh tế và vẻ đẹp hài hòa. Chính những nguyên lý đó đã đưa ẩm thực Việt Nam tồn tại lâu dài và phát triển mạnh mẽ.
"Theo các nhà sử học, trong truyền thuyết của Việt Nam, hoàng tử Lang Liêu (hoàng tử thứ 18 của vua Hùng thứ 6) sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy là câu chuyện sớm nhất gắn với 2 món ăn đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Hoàng tử Lang Liêu xứng đáng là ông tổ của nghề đầu bếp Việt Nam. Công đức của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, vợ của hoàng tử Lang Liêu, người đồng hành với chồng trong quá trình sáng tạo bánh chưng, bánh giầy, cũng cần được tôn vinh" - báo cáo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói rõ hơn.
Quốc hồn, quốc túy
Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Nhã, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, Trưởng đề án "Bếp Việt - Bếp của thế giới", cho hay ý kiến tôn hoàng tử Lang Liêu làm ông tổ nghề đầu bếp Việt Nam được nhà sử học Dương Trung Quốc gợi ý cho ông trong một cuộc họp của Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại Huế. TS Nhã thấy ý kiến đó rất hay và trong đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vào tháng 10-2017, với vai trò cố vấn của hiệp hội, ông có đề xuất và đã được đại hội nhất trí.
Giải thích việc chọn Lang Liêu làm ông tổ nghề đầu bếp Việt Nam, TS Nguyễn Nhã cho biết truyền thuyết hoàng tử Lang Liêu sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy là câu chuyện sớm nhất gắn với 2 món ăn đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Trải qua quá trình mấy ngàn năm, bánh chưng, bánh giầy vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Nó không chỉ là những món ăn thông thường mà còn trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Không chỉ ngon, mà với biểu tượng vuông - tròn, bánh chưng, bánh giầy còn thể hiện lòng hiếu thảo, đề cao công lao của cha mẹ như trời đất, một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Chính vì ý nghĩa lớn lao như vậy nên Lang Liêu xứng đáng trở thành ông tổ nghề bếp.
Nhà sử học Lê Văn Lan cũng cho rằng rất cần một tổ nghề ẩm thực trong bối cảnh phát triển của ẩm thực Việt Nam. GS Lan cũng đồng tình với phương án sẽ suy tôn món ẩm thực rất quan trọng của Việt Nam là bánh chưng, bánh giầy. "Từ món bánh chưng, bánh giầy đó tiến tới chỗ tìm ra chủ nhân sáng tạo của các món bánh này. Sau đó chúng ta sẽ làm việc coi chủ nhân của món bánh chưng, bánh giầy là tổ của nghề ẩm thực Việt Nam" - nhà sử học nêu quan điểm.
Cần tôn trọng sự đa dạng văn hóa
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. PGS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho rằng ẩm thực rất đa dạng, phong phú nên không chỉ tôn vinh một ông tổ được. Ông Lương cho rằng đó là cách đặt vấn đề không đúng. Ngoài ra, chuyện Lang Liêu cúng tiến bánh chưng, bánh giầy cho vua là một truyền thuyết được dựng lên. Cũng không phải chỉ mình Lang Liêu cúng tiến món ăn cho vua.
Theo TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cần phải tôn trọng tính đa dạng văn hóa. Trên thực tế, việc tìm quốc phục, quốc hoa kéo dài nhiều năm nay vẫn chưa xong. Nếu nay cố tìm ông tổ nghề bếp Việt Nam cũng sẽ gây nhiều tranh cãi. Cần tôn vinh ẩm thực của nhiều cộng đồng chứ không nên chỉ là ẩm thực người Việt.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đặt vấn đề Ngọc Hoa công chúa, con của vua Hùng, xứng đáng được tôn vinh tổ nghề bếp. Ông Vĩ cho rằng dạy nấu bếp là Ngọc Hoa công chúa và thông thường bếp gắn với đàn bà nên chọn bà là hợp lý. Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho rằng chọn ông tổ nghề bếp là một ý tưởng hài hước!
Khu bảo tồn nằm trong danh thắng Tây Thiên!
Khu bảo tồn di tích danh thắng Tây Thiên được đánh giá là rất phù hợp để xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh tổ nghề đầu bếp Việt Nam. Theo Hiệp hội Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy của hoàng tử Lang Liêu không thể không gắn liền với vai trò của Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, người sinh ra ở đất Tam Đảo. Do vậy, khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự, nơi có đền thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu chắc chắn là một địa bàn hoạt động của hoàng tử Lang Liêu.
ts Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Xã hội và Phát triển: Tổ nghề cần có nguồn gốc
Rất nhiều nghề của Việt Nam đã có tổ nghề, nghề đầu bếp cũng cần phải có. Tôi thấy một số nhà sử học tán thành chọn hoàng tử Lang Liêu làm tổ nghề đầu bếp song tôi lại có băn khoăn rằng đây là truyền thuyết. Khi đã tôn vinh làm tổ nghề thì cần phải có nguồn gốc, lý lẽ chặt chẽ để nếu mọi người thắc mắc thì có thể lý giải cặn kẽ và có sức thuyết phục.
GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:
Không đơn giản
Việt Nam có tới 54 cộng đồng dân tộc. Người Chăm, người Khmer… có ăn bánh chưng, bánh giầy đâu mà bảo đó là ông tổ nghề đầu bếp của họ? Nếu suy tôn Lang Liêu là ông tổ của nghề gói bánh chưng, bánh giầy hay ông tổ ẩm thực của người Việt thì được. Lựa chọn tổ nghề ẩm thực cho cả dân tộc Việt Nam thì không phải là chuyện đơn giản.
Cái hay của văn hóa ẩm thực Việt Nam là tính đa dạng. Nó tạo nên thế mạnh, bản sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Theo tôi, việc ngồi lại để chọn ai làm tổ nghề nấu ăn của Việt Nam không phải là việc nên làm.
PGS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học:
Một biểu tượng đặc sắc
Chọn hoàng tử Lang Liêu làm ông tổ nghề bếp Việt Nam theo tôi là một lựa chọn hợp lý. Chọn tổ nghề nấu bếp thì không thể đòi hỏi người tổ nghề toàn tài làm được đủ thứ món phù hợp với nhu cầu của tất cả mọi người. Chọn tổ nghề là chọn gốc biểu tượng, tính chất tối cổ và ý nghĩa văn hóa. Hoàng tử Lang Liêu là người làm ra bánh chưng, bánh giầy gắn với thời Hùng Vương, một biểu tượng đặc sắc nhất về ẩm thực của Việt Nam.
H.L.Anh ghi
Bình luận (0)