Phút bổng, phút trầm, lời ru nghe sao mà da diết: "Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu". Thật yên bình một góc làng quê! Vậy mà, giờ đây đã có biết bao người rời bỏ "ao làng" để tìm cho mình cuộc sống khấm khá hơn.
Phải rồi, cái "ao làng" giờ đâu còn "trong lành, nhiều tôm cá như ngày xửa ngày xưa nữa đâu"! Con người thì cứ sinh sôi nảy nở nhưng đất cát ngày càng "teo tóp" dần, tôm cá ngày càng khan hiếm dần. "Đại dương" thì bao la mặc dù muôn trùng sóng gió nhưng "tôm cá" nhiều hơn. Vậy là, phải bươn chải thôi! Chốn đô thị mặc dù muôn màu "đỏ xanh", khó phân biệt vẻ hào nhoáng bên ngoài với cốt cách bên trong nhưng vẫn có sức hút và đủ chỗ cho người quê có ý chí, có nghị lực, không bằng lòng với cái số phận "Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa". Nơi nào cũng có mặt này mặt khác, văn minh và tệ nạn, ánh sáng và bóng tối, tích cực và tiêu cực. Con người ở đâu cũng có người này người nọ, thiện và ác, chân tình và hẹp hòi. "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" thôi! Phải chọn cho mình cách sống đúng mực nơi phồn hoa đô hội!
Đô thị nào thì cũng là đất nước của mình. Chỗ nào cũng có thuận lợi và khó khăn, chỗ nào cũng có cơ hội và thách thức, chỗ nào cũng có người thành công và kẻ thất bại. Nếu nhìn ở góc độ bi quan thì sẽ bi quan. Nếu nhìn ở góc độ lạc quan thì sẽ lạc quan. Vấn đề là thái độ của mỗi người trong cuộc sống. "Thái độ" quan trọng hơn "trình độ" mà! Đất chật, người đông có thể là nơi kiểm chứng, sàng lọc con người. Có biết bao người đã thành công nơi đất khách quê người. Hôm nay lên thành phố có thể chỉ lao động chân tay để kiếm sống nhưng biết đâu nhờ vào ý chí, nghị lực, vừa làm vừa học, mai này trở thành thợ bậc cao hơn, thậm chí là doanh nhân thành đạt. Có biết bao nhiêu huyền thoại của những doanh nhân được "viết lên" từ những gánh ve chai lông vịt, từ "mua đầu chợ bán cuối chợ"!
Có người tổng kết rằng: "Những người chấp nhận ra đi là những người mạnh mẽ và sẽ mạnh mẽ hơn trong một môi trường cạnh tranh". Môi trường đó có đủ điều kiện nâng người ta lên bằng thông tin, kiến thức, kỹ năng sống và làm việc. Nhưng môi trường đó không có chỗ cho sự chậm chạp, an phận. Giữa thành thị và làng quê, giờ có xa xôi gì lắm đâu! "Thế giới phẳng" rồi! "Ra đi" để tìm kiếm thu nhập nhưng đồng thời cũng tìm kiếm kiến thức để mai kia mốt nọ trở về giúp thay đổi quê nhà, khởi nghiệp trên chính nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình. Nếu biết chắt chiu thì "Thuyền anh mai về cá bạc đầy khoang" đó thôi. Mà đâu chỉ là mang về "tôm cá", nếu chịu học hỏi còn có thể mang về cả "túi khôn" của thiên hạ nữa. "Túi khôn" đâu của riêng ai, mà dành cho những người biết đón nhận và phát huy nó. Như vậy, phải xác định cho mình "ở thì tương lai" như thế nào để ngay hôm nay khi xác định sẽ bước chân rời khỏi "ao làng" thì cần chuẩn bị kế hoạch gì cho tương lai nhiều năm sau của đời người ngắn ngủi.
Nhiều người hay than thở: "Nghèo giàu gì cũng do số phận mà thôi", thậm chí còn đùa "giày dép cũng còn có số nữa mà huống gì đến con người"(?!). Vậy là an phận, vậy là chấp nhận với cái nghèo, cái khó rồi. Nhưng có một doanh nhân nổi tiếng đã tổng kết: "Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó thì đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết đi trong nghèo khó thì đó chính là lỗi của bạn". Ai chẳng muốn "nhà mình mình ở, ruộng mình mình làm, quê mình mình sống", song cuộc sống luôn có những biến động bắt buộc con người phải thích ứng, phải vận động. Mới ngày nào còn là anh nông dân "tay lấm chân bùn" nhưng thoải mái, nay trở thành công nhân đứng máy với bao quy định ràng buộc, chắc không tránh khỏi những ngột ngạt, khó khăn.
Mà đâu chỉ vượt ra khỏi "ao làng" để tìm kiếm việc làm trong nước, còn biết bao người dũng cảm "vượt trùng khơi" đi lao động ở nước ngoài nữa kia. "Đi cho biết đó, biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn". Thì đó, ngày xưa ông bà mình đã mong muốn con cháu phải dũng cảm "ra đi" để học được, gom góp được "cái khôn" của thiên hạ và biến "cái khôn" đó trở thành của mình. Học để biết vì sao họ giàu có, văn minh, trong khi họ "thiên thời" cũng không, "địa lợi" cũng không. Vậy, có phải họ giàu có, văn minh từ chữ "nhân hòa", từ yếu tố con người, những con người đầy nghị lực, tràn trề khát vọng và chọn cách sống hòa hợp với nhau?
Nhìn dòng người trở về quê đón Tết mừng Xuân, sẽ có người thương cảm. Nhưng nếu nhìn vào mặt tích cực thì chính trong dòng người ấy sẽ tìm ra những người thành công, xứng đáng là tấm gương về ý chí và nghị lực cho người khác. Chính trong dòng người ấy có những người trở về với những dự định góp phần làm cho "ao làng" trong lành hơn, để có được nhiều "tôm cá" hơn, ruộng vườn xanh tươi hơn, làng quê đáng sống hơn.
Cuộc sống xứ người, điều kiện làm việc, ăn ở, vui chơi - giải trí, chuyện học hành cho con cái chắc còn đầy khó khăn, song như một quy luật, có cầu thì có cung, rồi một ngày nào đó sẽ được thu xếp dần, bởi "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Môi trường càng khắc nghiệt lại càng trở thành cơ hội để con người trở nên rắn rỏi hơn, hun đúc ý chí mãnh liệt hơn. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", "Có vất vả mới thanh nhàn. Không dưng ai dễ cầm tàng che cho"!
Vậy, thay vì thương cảm, sao không chân thành nhắc nhở nhau rằng: "Chốn đô thành đầy xa hoa cám dỗ. Xin anh đừng để lòng sa ngã bê tha" như lời ca trong một tuồng cải lương năm xưa? Thay vì thương cảm, hãy tuyên truyền, động viên cho "người ra đi" yên dạ lao động nơi xứ người rằng: "Làng quê bây giờ cũng đã thay đổi rồi". Thay vì thương cảm, hãy tổ chức những không gian để người lao động có thể vừa làm vừa học, "học để chung sống". Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, người ta khó đoán định nghề nào tiếp tục còn, nghề nào sẽ mất đi, nghề nào sẽ xuất hiện. Vậy, người lao động phải học và được học nhằm chủ động thích nghi với sự thay đổi để đến lúc không còn trở tay kịp.
Mùa Xuân là mùa của "hy vọng". Hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mọi nhà, mọi người; đang làm gì, làm ở đâu không quan trọng, miễn là có ích cho mình, cho gia đình, cho quê hương xứ sở.
Bình luận (0)