Ngày 19-6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP, Hội Nhà báo TP phối hợp tổ chức buổi tọa đàm "Báo chí xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng TP, vì cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội" về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Cần những bài báo đề xuất giải pháp
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở TT-TT TP Dương Anh Đức đề nghị các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung đề xuất giải pháp truyền thông của các cơ quan báo chí - xuất bản để những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 54 đến với công chúng cả nước và TP HCM, nhằm tạo được sự đồng thuận của xã hội cũng như truyền cảm hứng. Qua đó, góp phần phát huy sức sáng tạo của mỗi người dân TP.
Tham gia thảo luận, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nói rằng TP đang đứng trước các thách thức như kẹt xe, ngập nước; những vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, những vấn đề liên quan đến phòng chống tiêu cực tham nhũng, đất đai, quản lý quy hoạch… Vì vậy, báo chí nhất thiết phải đưa Nghị quyết 54 vào cuộc sống thông qua những mô hình điển hình làm tốt…
"Cần lắm việc báo chí tập trung mổ xẻ để tìm ra giải pháp hữu hiệu giải quyết các thách thức trên. Chẳng hạn, báo chí tập trung vào đề tài chương trình cải cách hành chính như thế nào để giảm hội họp? Giải pháp nào cho kẹt xe, ngập nước?... Tóm lại, nên thay báo chí phê phán bằng báo chí giải pháp" - bà Phạm Phương Thảo đề xuất.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại buổi tọa đàm
Đồng tình với ý kiến của bà Phạm Phương Thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng lâu nay, báo chí cũng có giải pháp nhưng chưa nhiều; nay cần phát huy nhiều hơn nữa. Để đi đến báo chí giải pháp, phóng viên phải tìm được các nhà khoa học, người có chuyên môn để trao đổi.
Thông tin phải được chia sẻ
Để phát huy vai trò của báo chí trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 54, theo ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, báo chí rất cần sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin về quá trình triển khai các cơ chế chính sách đặc thù. "Để báo chí có điều kiện tốt nhất để tập trung tuyên truyền cho Nghị quyết 54 thì TP cũng nên xem xét hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, mở rộng diện tích, thời lượng thông tin. Đặc biệt, TP nên xây dựng quỹ khen thưởng để kịp thời động viên phóng viên và các cơ quan báo chí…" - ông Phong nhấn mạnh.
Còn theo đại diện Báo Người Lao Động, muốn cơ chế đặc thù của TP đi vào cuộc sống và sau đó thực hiện thành công thì sự đồng thuận, đồng lòng là yếu tố quyết định. Để có được điều đó thì mọi quyết sách phải được trao đổi, thực hiện một cách cởi mở, cầu thị. Để làm được điều này thì các lãnh đạo và các cơ quan hữu trách phải cởi mở trước (trước mắt là đối với báo chí, truyền thông), hạn chế thấp nhất việc "đóng cửa" với nhau, bởi như thế rất khó bề thành công trong việc tuyên truyền và triển khai thực hiện cơ chế đặc thù.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân mong muốn báo chí phải phát hiện, cổ vũ, động viên, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt,... Đồng thời, khi báo chí đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội thì nên thực hiện với một tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao...
Sẽ có giải báo chí sáng tạo
Phát biểu bế mạc buổi tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Thân Thị Thư đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền phổ biến Nghị quyết 54; thể hiện đa dạng các thể loại tin - bài, chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, diễn đàn…; để góp phần khơi gợi những ý tưởng sáng tạo, những ý kiến tâm huyết, góp sức hiến kế đưa TP đi lên. Bà Thư cũng lưu ý cấp ủy Đảng, chính quyền cần thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận về vai trò của báo chí, không né tránh báo chí, thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
"Chúng ta cần có thêm giải báo chí sáng tạo để xây dựng TP. Giải này chúng ta sẽ chuẩn bị và tiến hành triển khai" - bà Thân Thị Thư cho biết.
Bình luận (0)