Là người có hơn 40 năm sinh sống và làm việc tại nhiều nước trên thế giới như Đức, Mỹ…, chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng chia sẻ: "Chúng ta thường nói Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời nhưng trên thực tế vẫn còn khó khăn, nhất là môi trường làm việc ở nước mình còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính rườm rà".
Sợ "cán bộ có thân thế"
Ông Đồng kể ông có nhiều người bạn ở Mỹ muốn về Việt Nam làm việc nhưng sợ bị "chụp" nên họ không muốn về. Một điểm khác làm họ quan ngại khi trở về quê hương là "mối quan hệ xã hội: con cha, cháu ông, con anh con tôi, cháu anh cháu tôi trong bộ máy công quyền hiện nay quá nhiều". "Nhiều "công tử" được gửi ra nước ngoài đào tạo một vài năm rồi về nước được bố trí ở những vị trí quan trọng nhưng kinh nghiệm làm việc không có. Bởi có không ít người ra nước ngoài học chỉ cưỡi ngựa xem hoa, nhiều khi chẳng có thêm kiến thức gì so với những người học trong nước" - chuyên gia ôtô trăn trở.
Những người làm khoa học cần nhất là môi trường làm việc Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Đồng, để có kinh nghiệm, họ phải có nhiều năm ở lại nước ngoài làm việc. Đằng này học xong về nước có "người nhà" nâng đỡ, vèo một cái lên làm lãnh đạo. Trong khi những người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn mà thiếu "bệ đỡ" khi về nước sẽ không được trọng dụng, thậm chí còn bị trù dập. Chưa hết, họ phải xin xỏ, quan hệ này nọ, còn cắt phần trăm… mỗi khi đề xuất kinh phí thực hiện một dự án khoa học dẫn đến họ rất ngại về nước cống hiến. "Một bác sĩ buổi sáng làm việc tại bệnh viện để lấy chức vị, lấy danh. Còn buổi chiều về làm thêm để có tiền sinh sống và làm giàu thì làm sao tập trung để chữa bệnh. Một giáo viên không dạy thêm thì làm sao có tiền trang trải cuộc sống. Hiện tại, nhiều chuyên gia, trí thức làm việc theo tính gượng ép" - ông Đồng nói.
Chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng trong một lần hướng dẫn và chia sẻ với các thực tập sinh về kiến thức trong lĩnh vực ôtô Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Trong khi đó, Nguyễn Bảo Ngọc (CEO một công ty bảo hiểm) cho biết cô hụt hẫng sau thời gian làm việc trong cơ quan nhà nước. Tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP HCM với tấm bằng loại ưu, Bảo Ngọc quyết tâm tìm một nơi để phát huy hết khả năng, tâm huyết với mong muốn góp chút sức nhỏ bé của mình để xây dựng TP. Thế nhưng sau 3 năm làm việc, Bảo Ngọc đã không tin vào những gì mình nhìn thấy khi nơi đó vẫn đang tồn tại với cơ chế xin - cho. "Trưởng phòng thích thì duyệt, ưu ái; còn không ưa lại họp nhận xét, kiểm điểm, dù không đưa ra nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể. Ngoài ra trong quá trình làm việc, khi nêu quan điểm cá nhân, đóng góp sáng kiến thì bị trưởng phòng cho là tư tưởng có vấn đề, bè phái hoặc "đóng góp không mang tính xây dựng?" - Bảo Ngọc kể.
Bức xúc trước cách quản lý, hành xử của trưởng phòng, Bảo Ngọc đành chia tay niềm đam mê của mình để đầu quân cho một tập đoàn nước ngoài. Theo Bảo Ngọc, để thu hút nhân tài, TP cần thay đổi tư duy quản trị, tôn trọng người xin việc, tôn trọng từng nhân viên, không phải tiếp cận kiểu quan - lính và cần phát triển, xây dựng quy trình, chính sách cụ thể để khích lệ nhân tài biết về hướng phát triển của mình trong tương lai.
Quan trọng nhất là môi trường
Một "điểm trừ" lớn khác trong thu hút nhân tài hiện nay ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung là môi trường làm việc chưa thuận lợi. GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP, nêu quan điểm: "Thu hút nhân tài nghĩa là mình cần người tài. Vì vậy "phải biết người ta cần gì, làm việc cho ta thì họ được cái gì?". Thu hút nghĩa là có sự thương lượng, tìm tiếng nói chung giữa cái ta cần và cái người ta có chứ không thể bằng tuyên truyền kiểu tay không bắt giặc".
Cũng theo GS-TS Giao, lâu nay chúng ta nói trải thảm đỏ mời người tài nhưng thực tế nhiều lúc, nhiều nơi bên dưới thảm đỏ lại có đầy đinh và các thủ tục hành chính không cần thiết. Chính những cái đó khiến người tài lo sợ. "Đây là lý do giải thích vì sao trí thức Việt kiều phần đông vào làm cho doanh nghiệp, kế đến là trường đại học. Rất ít người vào làm việc cho cơ quan nhà nước. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là tạo môi trường thuận lợi, hạn chế sự ràng buộc đối với các nhà khoa học, chuyên gia" - GS-TS Giao đúc kết.
Ý kiến trên nhận được sự đồng tình của PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Theo ông Ngân, tài chính cũng cần nhưng người làm khoa học cần nhất là môi trường làm việc. Vì vậy, bên cạnh chế độ đãi ngộ xứng đáng, TP cần tạo một cơ chế và môi trường làm việc thuận lợi để các nhà khoa học được tự do sáng tạo, tự do cống hiến.
Ông Nguyễn Minh Đồng phản ánh điều kiện làm việc của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức tại TP HCM hiện chưa được đáp ứng đúng mức. Có một số chuyên gia về TP làm việc trong thời gian đầu thấy hay nhưng sau vài năm lại thấy nản vì đi đâu cũng gặp khó khăn nên quay ra nước ngoài làm việc. Bên cạnh đó, cũng có không ít chuyên gia hàng đầu thế giới chấp nhận thu nhập thấp để về nước phục vụ nhân dân nhưng mong muốn chính quyền TP hỗ trợ và tạo điều kiện làm việc tốt hơn. Người Việt Nam làm việc ở nước ngoài cũng muốn đem kinh nghiệm, kiến thức của mình về phục vụ đất nước. Đó là lý tưởng cao đẹp và TP HCM nên tạo mọi điều kiện để họ cống hiến, góp phần đưa TP phát triển.
Còn Bảo Ngọc cho rằng môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước không thật sự minh bạch để cống hiến, không có cạnh tranh công khai mà đấu đá "ngầm". Dù trên lý thuyết, các đơn vị nhà nước luôn thông tin rằng họ có chính sách thu hút người tài, chế độ đãi ngộ cao và công bằng. Song trên thực tế, đa phần người tài bỏ đi chính là vì sự ưu ái người quen, người thân và tìm cách chèn ép, cô lập nếu người tài, người trẻ lên tiếng bày tỏ, góp ý trên tinh thần mong muốn cải tiến, hoàn thiện hơn. Bảo Ngọc chia sẻ: "Khi nhân tài vào làm việc ở khu vực nhà nước là họ đã chấp nhận mức lương thấp, đơn giản vì hoài bão và lý tưởng tuổi trẻ. Nhưng chính môi trường làm việc và quản lý làm thui chột dần. Muốn cải tiến, đề xuất thì không ai nghe, còn bị coi là ngựa non háu đá. Một người giỏi khó có thể xoay chuyển được bộ máy bấy lâu đã ì ạch. Trong khi doanh nghiệp bên ngoài sẵn sàng trả hàng ngàn đô-la Mỹ để họ về làm việc, để khai thác chất xám đang vào độ chín".
Nếu xét về độ cạnh tranh, so với khối doanh nghiệp tư nhân, nhiều người làm việc trong khu vực công về lâu dài có tư tưởng thích an nhàn, không quá động não, sáng tạo hoặc trở nên rụt rè, ì tư duy. "Do đó, thay đổi chính tư duy của nhà quản lý vì lợi ích tổ chức, doanh nghiệp chứ không phải vì quyền lực cá nhân mới là điều quan trọng nhất hoặc mọi ưu đãi, chính sách cũng chỉ là lý thuyết suông" - Bảo Ngọc nói.
Kỳ tới: Chuẩn nào cho nhân tài?
"Thu hút nhân tài nghĩa là mình cần người tài. Do đó phải biết người ta cần gì, làm việc cho ta thì họ được cái gì? . Thu hút nghĩa là có sự thương lượng chứ không thể bằng tuyên truyền kiểu tay không bắt giặc" - GS-TS Nguyễn Ngọc Giao nói.
TP HCM thu hút nhân tài trên 9 lĩnh vực
Theo đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học, TP HCM sẽ thu hút nhân tài trên 9 lĩnh vực.
Đó là công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh; phát triển công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu (logistics); nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, tế bào gốc; xây dựng trung tâm tài chính; xây dựng và quản lý hạ tầng hiện đại gồm xây dựng và vận hành hệ thống vận tải công cộng sức tải lớn, không gian ngầm, công trình phòng chống thiên tai, xử lý sự cố môi trường, quy hoạch và phát triển đô thị biến đổi khí hậu; vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử cao cấp, công nghiệp vi mạch, công nghệ số; các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản: kinh tế số, khoa học tính toán và dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo; lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học xã hội.
Bình luận (0)