Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 41/2021/QH15 xung quanh hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Báo cáo nêu những kết quả đạt được; biện pháp khắc phục các hạn chế, vướng mắc, tồn đọng ở một số lĩnh vực.
Sẽ cấm mua bán sổ BHXH
Pháp luật hiện hành quy định người lao động (NLĐ) được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH. Quy định này làm phát sinh tình trạng trục lợi BHXH. Cụ thể là kẻ xấu lợi dụng dụ dỗ, lôi kéo NLĐ mua bán sổ BHXH với giá rẻ, kèm giấy ủy quyền nhận trợ cấp để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH và hưởng chênh lệch.
Trước thực trạng nêu trên, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương kịp thời cảnh báo, xử lý nghiêm hành vi mua gom sổ BHXH; siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn trục lợi. Nhờ đó, tình trạng này đã từng bước được khắc phục.
Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ đã giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng BHXH một lần, tăng tính hấp dẫn, thu hút NLĐ tham gia BHXH để hưởng lương hưu. Điển hình là giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Ngoài ra, để ngăn chặn và xử lý tình trạng thu mua sổ BHXH, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) còn đề xuất bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với việc mua bán sổ BHXH dưới mọi hình thức.
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Về vấn đề tiền lương đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, Chính phủ nêu rõ từ ngày 1-1-2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12 năm 2021. Riêng đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995, sau khi thực hiện điều chỉnh 7,4% mà có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/tháng; đối với người sau điều chỉnh có mức hưởng cao hơn 2,3 triệu đồng/tháng nhưng thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh lên mức 2,5 triệu đồng/tháng. Theo số liệu ước tính, từ ngày 1-1-2022, khoảng gần 3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đã được điều chỉnh tăng thêm 7,4%.
"Như vậy, việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP đã góp phần cải thiện đời sống của người nghỉ hưu nói chung. Đặc biệt, Chính phủ đã có sự quan tâm hơn đối với những người có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 theo đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH" - báo cáo của Chính phủ nêu.
Bảo đảm đầu tư công hiệu quả
Đối với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ, phát triển hộ kinh doanh, Chính phủ cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang tổ chức triển khai, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét thông qua trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT đã báo cáo Thủ tướng về việc tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, báo cáo của Chính phủ nêu rõ trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai kế hoạch đầu tư công. Nhiều giải pháp được ban hành kịp thời, nhờ đó tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đã có những bước cải thiện rõ rệt. Vốn ngân sách nhà nước năm 2021 được bố trí tập trung, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.
Về tình hình phân bổ, triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022, tính đến hết ngày 25-4, tổng số vốn ngân sách nhà nước mà các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là hơn 479.527 tỉ đồng, đạt 92,6% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Đối với 7,4% vốn chưa phân bổ theo kế hoạch được giao - tương ứng 38.578 tỉ đồng, Chính phủ xác định nguyên nhân là do một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư (quyết định đầu tư) cho các dự án đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022. Do vậy, về giải pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý.
"Phải kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm" - báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.
Xây dựng dự án Luật Phòng bệnh
Đối với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2020 lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Y tế tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh, trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Dự án Luật Phòng bệnh dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12-2022.
Bình luận (0)