Có nhiều cách để bảo đảm tương lai, thường gặp là tích lũy tiền bạc, gia sản để sinh lợi, dưỡng già với người làm nghề tự do, kinh doanh, dịch vụ. Với người làm việc trong các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp thì đó là đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế để vừa có chính sách hỗ trợ khi đang làm việc và nhất là có khoản lương hưu sau khi nghỉ ngơi, dưỡng già.
Xưa nay trợ cấp hưu trí vẫn là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là những người cả đời làm công ăn lương như công chức, viên chức hay những người lao động bình thường trong nhà máy. Đa số họ làm việc hết sức mình, sống chủ yếu dựa vào đồng lương, không có hoặc có không nhiều thu nhập phụ từ làm thêm hay phụ cấp khác. Đến tuổi thì nghỉ hưu, nhận lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH; trường hợp nghỉ sớm hơn thì mức lương hưu bị trừ tương ứng theo số năm nghỉ trước tuổi nên sẽ còn thấp hơn nữa. Nếu gia cảnh có con cái thành đạt, không phải lo âu sinh kế thì cũng không đến nỗi nào, song nếu gia cảnh còn nhiều điều phải lo toan thì sẽ phải chật vật xoay xở với mức lương hưu như vậy.
Nhưng được đóng BHXH, có lương hưu vẫn còn hơn những người không có do thiếu điều kiện để hưởng hưu trí về tuổi đời và thời gian làm việc, trong đó có nhiều trường hợp trước đó đã nhận trợ cấp một lần (TCML), đồng nghĩa với việc rút ra khỏi hệ thống BHXH. Đáng chú ý là tình trạng nhận TCML đang gia tăng những năm gần đây: năm 2016 là 665.306 người, chiếm 4,7% và năm 2020 là 897.000 người, chiếm 5,57%. Tình trạng này đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và mục tiêu BHXH toàn dân. Nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu, mất đi một khoản bảo đảm cho cuộc sống lúc tuổi già.
Một phép toán nhỏ: Tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần, NLĐ chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia BHXH, mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Thế nhưng, nhiều NLĐ vẫn nhận TCML vì họ không có sự lựa chọn nào khác do hoàn cảnh đưa đẩy, nhất là do thu nhập thấp, không có tích lũy, buộc phải nhận TCML. Nhưng chỉ sau 5-10 năm nữa, khi những người cùng lứa tuổi với họ vẫn tiếp tục đóng BHXH và hưởng lương hưu thì họ không có được khoản này trong khi TCML đã tiêu hết từ lâu.
Hãy giúp NLĐ giữ được lương hưu, dù ít hay nhiều, để thể hiện tấm lưới an sinh xã hội hiệu quả của BHXH, bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Bên cạnh việc tuyên truyền cho NLĐ hiểu tầm quan trọng của lương hưu, cần sửa đổi những quy định còn bất cập để hướng tới sự công bằng và phát huy hết ý nghĩa tốt đẹp của chính sách BHXH.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!