Chiều 14-12, tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức lễ công bố "Báo cáo kinh tế thường niên năm 2020 - Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vũng".
Sinh kế giảm, xuất cư cao
Báo cáo này được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế và chính sách, dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI và chịu trách nhiệm chuyên môn của FSPPM. Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đây là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và ĐBSCL, được chọn như là một sự điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai.
Theo báo cáo, tình trạng di cư của người dân vùng ĐBSCL về TP HCM và miền Đông Nam Bộ đáng báo động. So với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỉ lệ nhập cư thấp nhất, trong khi tỉ lệ xuất cư cao nhất; là vùng duy nhất có tỉ lệ tăng dân số bình quân 0,1% trong giai đoạn 2009-2019, trong khi cả nước là 1,1%.
Dân số vùng ĐBSCL giai đoạn 2009-2019 gần như không đổi so với 10 năm trước đó. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở, dân số vùng ĐBSCL vào thời điểm 1-4-2019 là 17,3 triệu người, gần như không có sự thay đổi đáng kể nào so với mức 17,2 triệu người vào 10 năm trước. Ngược lại, số lượng di cư khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng.
Nếu tình trạng di dân tiếp tục như hiện nay, mà khả năng này rất cao thì đến năm 2030, dân số của vùng còn chưa đến 17 triệu người. "Số người di cư cao như vậy phản ánh kinh tế vùng ĐBSCL đang suy giảm, kém hấp dẫn hơn vùng Đông Nam Bộ. Điều này dẫn đến dòng người di cư khỏi ĐBSCL để tìm kiếm sinh kế tốt hơn. Đây là một quy luật tất yếu" - TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định.
Theo ông Tự Anh, vấn đề di cư tại ĐBSCL sẽ tiếp tục diễn ra bởi các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, xây đập thủy điện từ thượng nguồn đến hoạt động sản xuất, chất lượng cuộc sống và môi trường tại ĐBSCL.
Nghiên cứu cho thấy đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 thập kỷ qua giảm mạnh. Ảnh: NGỌC TRINH
Nút thắt ở... giao thông
Vì sao ĐBSCL là vùng đất trù phú nhưng người dân lại không trụ được mà phải bỏ đi lên TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… kiếm sống?
Câu hỏi này được ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, lý giải: "Phần đông người xuất cư là người dân nông thôn, nguyên nhân do khu vực nông thôn với nhiệm vụ sản xuất nhưng lại chưa được tái đầu tư để người dân được hưởng lợi nên họ đi nơi khác tìm cuộc sống mới. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy tốc độ đô thị hóa ở ĐBSCL hiện nay thấp nhất cả nước, điều kiện sống không tốt bằng những vùng khác".
Tuy nhiên, theo ông Lam, nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ việc thiếu việc làm, mà việc làm lại phụ thuộc vào… giao thông. "Khi giao thông cách trở thì ảnh hưởng đầu tiên là thiếu thu hút đầu tư từ nước ngoài. Số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL là thấp nhất cả nước, chứng tỏ vùng ít nhà máy, ít có những doanh nghiệp lớn có thể giải quyết việc làm. Kể cả đầu tư trong nước cũng không nhiều tập đoàn lớn, công ty có quy mô sản xuất lớn để giải quyết việc làm. Doanh nghiệp bên ngoài không vào do cơ sở hạ tầng kết nối kém" - ông Lam phân tích.
Khuyến nghị 3 giải pháp chặn di cư
Trước xu hướng di cư khỏi ĐBSCL gia tăng, tại báo cáo trên, các chuyên gia khuyến nghị 3 giải pháp để tiếp cận trong thời gian tới.
Thứ nhất, trong 1 thập niên tới, việc di dân gia tăng là điều khó tránh khỏi nên các chính sách được thiết kế cho ĐBSCL nên theo xu hướng này.
Thứ hai, để có khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu, giữ sinh kế thì việc tập trung dân cư vào các đô thị sẽ hiệu quả hơn so với việc dân cư sống phân tán. Khi đó các giải pháp cũng như việc xây dựng các hạ tầng cần thiết sẽ dễ dàng, khả thi và hiệu quả hơn.
Thứ ba, trung ương cần dành đủ nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng với TP HCM, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ĐBSCL; từ đó tạo công ăn việc làm để người dân không đến nơi khác kiếm sống.
Khơi dậy tiềm năng để vượt lên
Báo cáo của VCCI và FSPPM chỉ rõ vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Mặc dù trong 20 năm trở lại đây, ĐBSCL duy trì được tỉ trọng trên dưới 18% trong tổng GDP quốc gia, song chỉ bằng 2/3 của mức đóng góp 27% của năm 1990. Vào năm 1990, GDP của TP HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL nhưng 2 thập niên sau, tỉ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến nay.
Ở một góc nhìn khác, tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP HCM và Đông Nam Bộ. Nguyên nhân là vì ĐBSCL tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn. Thêm vào đó, tuy ĐBSCL có lợi thế nằm kế TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển, song không được hưởng lợi đáng kể từ sự kết nối này. "ĐBSCL đang tụt hậu, đang là vùng trũng của phát triển doanh nghiệp, đứng thứ 2 từ dưới lên so với các vùng, chỉ hơn miền núi phía Bắc. Chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ cũng đang là một thách thức… Nếu có cách để khơi thông các điểm nghẽn, khơi dậy tiềm năng thì ĐBSCL có thể vượt lên trong thời gian tới" - TS Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Bình luận (0)