Thói xấu của nhiều người Việt ngày càng bộc lộ rõ hơn qua những mùa lễ hội. Những hình ảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau để "cướp" lễ đã xuất hiện ở không ít đền, chùa khiến người Việt trở nên xấu xí.
"Cướp lộc" ngay trên bàn thờ
Mỗi năm, đến mùa lễ hội, người ta lại phải chứng kiến không biết bao nhiêu hình ảnh xấu xí của người Việt ở những nơi đông người. Chen lấn, cướp giật, móc túi, "chặt chém", thậm chí đánh nhau đều đủ cả.
Sau nhiều năm, hình ảnh những người tham dự lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) "cướp lộc" vơ vét hoa, quả và cả đồ thờ trên bàn thờ nghi ngút khói hương vẫn khiến người ta phải ngỡ ngàng về thói xấu của không ít người Việt. Cũng tại đền Trần, cảnh ném tiền rào rào "lấy may" khi đoàn rước kiệu đi qua cũng bị Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đánh giá là vô lễ, "khi quân" với thánh thần.
Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho rằng lễ hội trước đây không hề có chuyện phát ấn để rồi "cướp" ấn, mua bán ấn, đánh nhau vì ấn như bây giờ. Không ít người dân đặt niềm tin vào những điều không có thật đã khiến người ta hành xử rất đỗi lạ lùng. "Tôi cũng không hiểu tại sao từ một lễ khai ấn để mở đầu cho một năm hành chính lại thành ra chuyện xin được mảnh giấy có đóng cái ấn ở đền Trần thì công danh sự nghiệp sẽ thăng tiến" - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền ngao ngán. Chính vì niềm tin mù quáng được hanh thông trên quan trường, được thăng quan tiến chức mà hội khai ấn đền Trần càng ngày càng thu hút đông người tới dự. Mỗi tờ giấy đóng cái ấn của nhà đền được niêm yết giá tùy theo năm, thậm chí để có được cái ấn đấy, không ít người đã chịu cảnh sứt đầu mẻ trán.
Chùa Hương ngày khai hội mùng 6 tháng giêng năm nay cũng đông nghẹt khách, số liệu ban đầu cho biết lên đến 5 vạn người. Rất nhiều người dân lên chùa đầu năm mới mong ước được phù hộ độ trì về sức khỏe, thăng quan tiến chức mà không hiểu gì về văn hóa Phật giáo. Người ta sẵn sàng dúi tiền vào tay Phật như một hình thức hối lộ mà không nghĩ rằng đó là một sự bất kính đối với Đức Phật. Giáo lý nhà Phật khuyên người ta chớ nên "tham, sân, si", tu tại tâm, làm việc thiện, thế nhưng sự "tham, sân, si" ấy lại đang được thể hiện một cách công khai tại cửa thiền. Người dân đi lễ Phật chỉ để cầu may, cầu tiền tài, cầu danh lợi... dúi tiền lẻ vào tay tượng mong nhận được tài, được lộc. Sự kém cỏi về nhận thức khiến người ta có thể thắp hương cầu cúng, rải tiền lẻ, đặt hoa ở khắp nơi, từ những gốc cây, hòn đá, dù cho nhà chùa đã treo biển cấm thắp hương những nơi này.
Tại đền Bà Chúa Kho, tỉnh Bắc Ninh, mỗi ngày hàng ngàn người dân mang không biết bao nhiêu vàng mã đến dâng và đốt. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL hồi đầu tháng 2, lãnh đạo Sở VH-TT-DL Bắc Ninh cho hay không thể ngăn người dân mang vàng mã đến đền để đốt. Lý do là người dân quan niệm "vay một trả mười", đầu năm "vay" của bà một thì cuối năm phải mang trả "mười" mới có lộc.
Minh họa: KHỀU
Phơi bày sự kém cỏi về nhận thức
Ngày vía Thần Tài đầu năm trước, hình ảnh người phụ nữ trẻ bế con đi từ sáng sớm và chen chúc xếp hàng mua vàng với hy vọng cho một năm tiền tài đổ vào nhà đã được nhiều báo chí đăng tải. Không biết một năm sau hình ảnh khổ sở bế đứa con nhỏ trông rất nheo nhóc, người mẹ trẻ này có nhận được tài lộc mà thần tài đem lại? Theo một nhà nghiên cứu văn hóa, chỉ vài năm trước, Hà Nội không có chuyện xếp hàng mua vàng thắp hương Thần Tài. Thần Tài từ Trung Quốc, đổ bộ vào Chợ Lớn (Sài Gòn - TP HCM) và giờ đây ngự trị trong tâm thức nhiều người dân thủ đô. Sự thay đổi này cũng giống như trước đây không có chuyện hàng ngàn người nêm cứng sân chùa dâng sao giải hạn. Giờ thì đã trở thành một tập tục đầu năm, rất nhiều người thành tâm sắm lễ, cúng vái cầu cho tai qua nạn khỏi và tin rằng vận xui sẽ không chạm đến mình nữa. Đáng nói, giáo lý nhà Phật chẳng hề có tập tục này.
Cũng vì muốn cầu tài, cầu may, hàng chục thanh niên của tỉnh Phú Thọ ra sức đập búa vào đầu con trâu bị buộc vào cột khiến người xem những hình ảnh đó thật sự kinh sợ. Người dân Bắc Ninh thì lấy tiền quệt vào máu của 2 "ông ỉn" vừa bị chém. Bạo lực, dã man liệu có đem lại may mắn cho những người tham gia lễ hội, hay chỉ giơ lưng cho người khác thấy sự mù quáng của mình. Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, khi người ta mất niềm tin trong cuộc sống, người ta tìm đến tâm linh, tín ngưỡng để làm chỗ dựa, để được an ủi. Nhưng niềm tin hoang dại ấy liệu có nên tồn tại? Thật sự, nếu muốn có một cuộc sống tốt, hãy là người tử tế, sống bằng sức lao động và trí tuệ của mình, làm việc thiện, trung thực, hiếu nghĩa, trong sạch...
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển:
Nên chế tài khắt khe hơn
Dân số tăng lên rất nhanh nhưng không gian lễ hội mấy trăm năm nay thì vẫn thế, việc chen lấn xô đẩy là không tránh khỏi. Trên thực tế, việc giành giật, chen lấn nhau đã trở thành bản chất của con người chứ không phải bản chất của lễ hội. Không phải chỉ ở trong không gian lễ hội mà bất cứ ở đám đông nào người ta cũng đều hành xử như vậy, vấn đề ở đây là phải tuyên truyền, giáo dục để người Việt bớt đi sự xấu xí. Ví dụ, ở những đền, chùa, khu tâm linh nên có những quy định chặt chẽ hơn, chế tài khắt khe hơn cho du khách. Chúng ta có thể đặt nội quy rõ ràng ở ngay cổng vào, thông báo không mang vàng mã, đồ lễ mặn vào chùa. Nếu ai chen lấn, cướp giật nhau sẽ bị xử lý, thậm chí trục xuất khỏi nơi lễ. Cần có một chế tài đủ mạnh và một khi đã có quy định, đã thông báo quy chuẩn, bất cứ ai vi phạm, chen lấn, xô đẩy, cướp giật đều phải bị xử lý đưa ra khỏi nơi lễ. Tôi tán thành quan điểm của bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, rằng hãy công khai hình ảnh và xử phạt với những người bị ghi hình cướp lộc hay có những hành vi phản cảm trong lễ khai ấn đền Trần. Mạnh tay như vậy, chắc chắn những hình ảnh xấu xí sẽ giảm đi.
Bà Hoàng Mai Hương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:
Kém hiểu biết và tâm lý đám đông
Không ít người đi trẩy hội hoàn toàn chỉ là cảm tính, không quan tâm đến thuần phong mỹ tục, thậm chí không hề biết về ý nghĩa, lễ giáo khi đến nơi thờ tự, nơi có lễ hội. Ở nhiều di tích, danh thắng, người ta đặt bát hương và hòm công đức la liệt khiến khách thập phương không biết đâu mà lần, cứ rải tiền lẻ ở khắp nơi cho "chắc ăn"; chen chúc giẫm đạp lên nhau để khấn vái và xin lộc...
Nhiều người Việt suy nghĩ đơn giản cho rằng Đức Phật trở thành một vị thần thánh có nhiều phép thần thông. Họ đi chùa cầu cúng để cầu xin cho mình những giá trị thực tiễn như tiền tài, may mắn, địa vị… trong cuộc sống mà không hiểu rằng chính họ mới quyết định cuộc sống của mình.
Chỉ những người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát những điều tốt cho mình mà để tìm đến những giáo lý của nhà Phật, tự bản thân mình làm những việc thiện thì mới mong tự nhận lại cho mình những điều tốt đẹp. Những tác động của cuộc sống vật chất, đặc biệt là sự kém hiểu biết của một bộ phận người dân, cộng thêm tâm lý đám đông đã dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc.
Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
Phải chính tín, làm điều tốt lành
Khi đốt rất nhiều vàng mã như là một cách gửi tiền vàng xuống cõi âm cho người đã mất, dân gian thường nghĩ trần sao âm vậy, đốt vàng mã gửi biếu các cụ thì các cụ cũng hưởng như người bình thường. Trên trần tiêu dùng cái gì thì dưới âm các cụ cũng dùng cái nấy. Người ta quan niệm thế nhưng điều đó là không có thật. Quan điểm Phật giáo kiên quyết không đốt vàng mã, phải chính tín và làm điều lành, điều tốt. Đốt vàng mã mất thời gian và không có tác dụng gì về mặt tâm linh .
Bình luận (0)