Ở xã Bình Tân Phú (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), người dân gọi những khu rừng được bảo tồn bằng hương ước của địa phương mình là những "lâm cấm". Nhờ có lâm cấm mà sinh mạch tốt tươi. Chính quyền địa phương cũng đang hướng đến việc kết nối du lịch sinh thái đồi rừng.
Màu xanh bạt ngàn
Tháng 7, Quảng Ngãi vào cao điểm mùa nắng nóng. Đã 16 giờ mà nắng chiều vẫn như nung. Trên con đường từ chợ Châu Sa của xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi) về xã Bình Tân Phú, ai cũng đeo khẩu trang che kín mặt.
Nhưng khi về đến xã Bình Tân Phú, đặt chân vào lâm cấm làng An Tráng, chúng tôi như lọt vào thế giới khác. Màu xanh của cây rừng bạt ngàn. Những cây trâm bầu, mít nài, gõ, sơn, mù u to hơn cả người ôm và tất cả đều cao thẳng tắp.
Lâm cấm An Tráng bốn mùa xanh mát
Phía dưới những cây lớn là cây bụi cao ngang đầu người và thấp hơn là khá nhiều loài sâm cau mà cánh mày râu thường lấy củ đem về ngâm rượu uống để tráng dương, ích khí. Nối với những tầng cây là dây gắm, dây chạc chìu đánh võng, ken dày.
Hơi thở của rừng cộng hơi nước bốc lên từ những bàu, rộc xung quanh lâm cấm, mát rượi.
Trưởng thôn Nguyễn Thái Học đưa tay vạch những bụi cây rừng, mở đường đưa chúng tôi đi vòng quanh lâm cấm. Thấy bóng người, bầy chim két, chim xanh kêu toáng lên rồi bay vù vù. Sau đó là chim quành quạch, chim đội mũ đánh tiếng ồn ào.
Đường vào lâm cấm An Tráng khuất trong vòm cây xanh
Vừa đi, trưởng thôn Học vừa kể: "Mùa này chỉ có những loài chim bản địa sinh con đẻ cháu. Nhưng mùa đông đến, những đàn cò từ miền Bắc xa xôi cũng bay về đây trú ngụ. Ban ngày, chúng kiếm ăn dưới đồng. Chiều xuống là bay đậu trên những đọt cây, trắng cả vạt rừng cấm. Màu xanh của lá càng làm nổi bật sắc lông màu trắng của những đàn cò".
Không chỉ có chim, ở lâm cấm còn có chồn, sóc. Lâm cấm này nối liền với vùng núi Thình Thình cao nhất ở vùng Đông, huyện Bình Sơn, nên trước đây con nai, con mang cũng chọn nơi này để sinh sống. Mới đây, trong tháng 6-2022, có những đàn khỉ về phá rẫy bắp ven rừng.
Chúng tôi dừng lại ở một "cụ" cây kơ nia gốc ba người ôm, cao chót vót, thân cành như ưỡn ngực đón ánh nắng mặt trời. Nhìn lên thân cây, trưởng thôn Học kể: "Hồi kháng chiến chống Mỹ, anh em trinh sát thường ngày leo lên cây này để quan sát địch từ xa".
Nguồn mạch của làng
Vùng Đông của huyện Bình Sơn núi đồi chạy dài tận mé biển. Vùng xã Bình Tân Phú nằm dưới chân núi Thình Thình nên gò đồi cao hơn so với các vùng khác.
Cha ông từ xưa đã hiểu rõ thế đất khắc nghiệt của mình nên chú trọng giữ rừng. Ở thôn Nhơn Hòa 1, ngoài An Tráng còn có lâm cấm Phú Vinh, Bình An. Còn ở thôn Diên Lộc có các lâm cấm: Thuận Yên, Mỹ Lộc, Đại Huệ và Đại Lộc. Ở thôn Nhơn Hòa 2 có lâm cấm Hòa Tân.
Một xóm nhà bên lâm cấm Phú Vinh
Dựa lưng vào lâm cấm, quay mặt về phương Nam là những xóm, những làng.
Cụ Đoàn Long, 74 tuổi, nhà ở sát bìa lâm cấm Phú Vinh, nói: "Chú biết không, nhờ có lâm cấm mới có nguồn mạch để bà con đào giếng nước sinh hoạt, chứ sống trên vùng gò đồi này biết lấy nước ở đâu. Mà lạ lắm. Những giếng nước trong làng nằm dọc theo lâm cấm, được đào trên nền đất đá ong, bốn mùa nước vẫn trong và mát. Đàn ông, trai tráng đi làm đồng về, vục gàu xuống múc nước giếng lên, tu một hơi là mát tận ruột gan. Còn mùa đông, những giếng nước trong làng lại ấm nên tắm mà không ai phải đun, phải nấu".
Cũng nhờ có lâm cấm nên những bàu, rộc dọc bìa rừng luôn đầy nước để con cá tràu, cá rô sinh sôi. Khi cơn mưa đầu mùa trút xuống, dân làng đặt đơm, đụt, bắt cá đem nướng trên lửa than hồng, vừa chín tới là đem dằm mắm ăn béo ngậy. Có nước từ lâm cấm nên bà con trong làng mới trồng lúa, trồng khoai.
Không dừng ở đó, khi mùa đông đến, những cơn gió bấc tràn về lạnh buốt thì lâm cấm như tấm áo giáp dày, che chở cho làng.
Làng đi qua những năm dài bình yên.
Nơi địch càn quét dữ dội
Trên đường vào lâm cấm làng An Tráng, ông Trương Quang Phú (72 tuổi, thương binh 2/4, nguyên là bộ đội của huyện Đông Sơn) cùng chúng tôi dừng lại ở bia Di tích lịch sử Căn cứ huyện Đông Sơn.
Bia di tích lịch sử cấp tỉnh của huyện Đông Sơn trong lâm cấm An Tráng
Ngắm nhìn bản bia, ông Phú bồi hồi kể: "Sau chiến thắng Vạn Tường - 1965, vùng Bình Tân nằm ở phía Nam - nơi diễn ra trận chiến, bị địch càn quét dữ dội. Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định thành lập huyện Đông Sơn vào tháng 8-1970, gồm 5 xã của huyện Bình Sơn và 9 xã của huyện Sơn Tịnh (nay thuộc TP Quảng Ngãi). Huyện ủy đã quyết định chọn khu rừng cấm An Tráng làm căn cứ của Huyện ủy, UBND huyện Đông Sơn".
Thế là từ đó, tán rừng xanh An Tráng thành lối đi về của những cán bộ và cũng từ nơi này đã phát ra những mệnh lệnh cho các lực lượng của huyện Đông Sơn tham gia kháng chiến. Đại đội của ông Phú là đại đội chủ lực của huyện với mật danh C7, tham gia đánh địch ở nhiều nơi, nhất là những đợt địch đổ quân tấn công vào vùng Bình Tân Phú.
Những năm đó, bom pháo của địch từ TP Quảng Ngãi, từ đồn Bình Hiệp nã vào vùng Bình Tân Phú nhiều lắm. Ông Phú cùng anh em trong đại đội nhìn cây trong lâm cấm ngã đổ mà thương. Nhưng rồi, một cây ngã thì nhiều cây con lại mọc và chồi non vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Và theo tháng năm, rừng lại thêm dày và xanh hơn.
Vùng đất Bình Tân hơn 10 năm trước đã được tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch, xây dựng hệ thống kênh mương, trạm bơm để đưa nước từ công trình thủy lợi Thạch Nham về tưới cho những cánh đồng trong xã. Chủ động được nguồn nước tưới nhưng vẫn không ai "ngoảnh mặt" với lâm cấm. Bởi lâm cấm mang chút hồn quê hương, ăn sâu vào tâm khảm của người làng.
Xuất phát từ thực tế việc bảo vệ lâm cấm của cộng đồng dân cư qua nhiều đời, xã Bình Tân Phú đề xuất cấp trên cho phép cộng đồng dân cư tiếp tục quản lý. Hiện nay đã có bốn lâm cấm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chủ rừng ghi rõ là cộng đồng dân cư xóm Bình An, Phú Vinh, An Tráng và Thuận Yên. Bốn lâm cấm còn lại hiện cũng đang được lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng.
Hướng đến du lịch khám phá
Ở xã Bình Tân Phú từ lâu đã xây dựng các tổ tự quản bảo vệ lâm cấm. Trưởng thôn Nguyễn Thái Học cười, nói: "Đất có thổ công..." mà.
Trưởng thôn Nguyễn Thái Học (bìa trái) cùng thương binh 2/4 Trương Quang Phú bên cây kơ nia trong lâm cấm An Tráng
Vài năm gần đây, khi việc đào cây kiểng bùng phát, nhiều người từ nơi xa cứ nghĩ rừng mênh mông nên vào lâm cấm mà tìm. Nhưng họ chưa tới được bìa lâm cấm thì đã có người chặn lại, không cho vào bên trong.
Ở trong lâm cấm, ong làm tổ rất nhiều. Biết vậy nên bà con nhắc nhở con em mình không được đốt ong trong lâm cấm. Nhờ thế, những lâm cấm ở Bình Tân Phú mãi xanh.
Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú - ông Nguyễn Hoàng Minh - cho hay: "Lâm cấm từ lâu là lá phổi xanh, là chiếc áo giáp dày che chở cho làng, là nơi tạo nguồn sinh mạch. Địa phương đã đề xuất với cấp trên kết nối các lâm cấm với những danh lam, thắng cảnh trên địa bàn như núi Thình Thình, mũi Ba Làng An để phát triển du lịch".
Còn gì hấp dẫn hơn sau khi ngắm trời, mây, biển cả ở mũi Ba Làng An, vãn cảnh chùa Thình Thình, du khách được đi khám phá lâm cấm Bình Tân Phú, ngắm rừng cây cao vút, xanh thẳm, nghe chim hót. Rồi trong tiếng nhạc rừng, du khách còn được nghe chuyện xưa, chuyện nay bắt đầu từ việc bảo tồn lâm cấm và cả những ngày chiến tranh trên đất Bình Tân Phú anh hùng.
Yêu lâm cấm của mình
Cụ Huỳnh Ký (86 tuổi; nhà ở bìa rừng An Tráng) thấy chúng tôi tỉ mẩn về rừng cây thì bật cười: "Ở đất này có LÂM thì phải thực hiện việc CẤM chứ. Từ xa xưa, người làng Bình Tân Phú đã quy định rõ ràng trong hương ước để xử lý những ai đốn cây rừng. Cụ thể, bị phát hiện lần đầu tiên thì nhắc nhở, nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ phạt tiền. Vi phạm đến lần thứ ba thì dân làng họp, đưa ra biện pháp xử lý. Hương ước quy định là vậy, nhưng người làng yêu lâm cấm của mình nên không có ai vi phạm đâu. Hằng năm, đến tháng chạp, người làng phát hiện ra cây khô thì báo với làng để tiến hành khai thác rồi định giá thu mua, sung vào quỹ của làng để mua sắm lễ vật, làm cỗ cúng thần rừng, cúng thổ địa trong ngày lệ làng".
Bình luận (0)