Du lịch là lĩnh vực chịu thiệt hại năng nề, chủ yếu do mất nguồn khách Trung Quốc vốn đang chiếm gần 40% tổng lượng khách quốc tế đến nước ta. Tổn thất năm nay có thể đến 5 tỉ USD. Cùng với đó là một số ngành khác như hàng không, vận tải, giao nhận, thương mại và nhất là nông nghiệp.
Trong số đó, nhóm đối tượng dễ bị "tổn thương" nhất là nông dân. Và với truyền thống tương thân tương ái, những tuần qua đã liên tục xuất hiện các hội - nhóm thiện nguyện, các tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp… xắn tay vào cuộc cùng tìm đầu ra tiêu thụ cho nông sản, giúp người nuôi trồng đỡ chịu thiệt hại, tạo dựng điểm tựa niềm tin để họ vững tinh thần vượt qua khó khăn.
Những tấm lòng cao đẹp đó thật đáng trân trọng. Và trên hành trình nhân văn ấy, bằng sự năng động và sáng tạo, chính những người đi "giải cứu" đã tìm ra cơ hội mới. Điển hình như ông chủ hiệu bánh mì ABC Bakery Kao Siêu Lực, từ chỗ cám cảnh với nỗi buồn của người trồng thanh long ở miền Tây trong một chuyến đi thực tế, ông về dành liền 3 đêm tìm tòi, nghiên cứu công thức dùng ruột trái thanh long đỏ pha trộn với bột mì, sữa, bơ… để làm thành công loại bánh mì baguette thanh long, rồi thanh long phô mai và các loại bánh mì trái cây khác... ABC Bakery không chỉ sản xuất và đưa baguette thanh long ra toàn hệ thống phân phối của mình, "vua bánh mì" còn sẵn lòng chia sẻ công thức làm bánh này cho các thương hiệu khác, để có thêm đầu ra giúp nông dân!
Kể như vậy để thấy trong lúc càng khó khăn thì cộng đồng người Việt càng đoàn kết, đùm bọc cho nhau. Truyền thống này có tính cố kết, bền bỉ, đã được thực tế "kiểm chứng".
Tuy vậy, phải thừa nhận rằng đó chỉ là sự tạm thời. Với đại dịch như Covid-19 và những bất trắc khó lường khác, không thể nhờ đến những biện pháp trước mắt, để rồi sau khi "nín thở qua sông" lần này, nếu lại đối mặt với thách thức khác lớn hơn thì không đủ sức đương đầu, lúc đó sẽ bị tổn thất nặng nề hơn. Cho nên, điều chúng ta cần là những giải pháp căn cơ, lâu dài.
Nền tảng cho những giải pháp đó trước tiên là đánh giá đúng thực trạng. Nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá chân xác thực trạng bi quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa làm là rất cần thiết.
Một điều nữa, cũng quan trọng không kém, mà người ta hay nói là: trong "nguy" có "cơ". "Cơ" đây chính là cơ hội để nền kinh tế "thử tải" và nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chịu va đập để biết mình - biết người, biết mạnh - biết yếu, từ đó điều chỉnh định hướng phát triển, sắp xếp danh mục đầu tư… Đây cũng là cơ hội để dẹp bớt những loại hình kinh doanh chụp giật; những doanh nghiệp lướt sóng, đánh quả, sống ký sinh trên những mối quan hệ và lợi ích bất minh.
Bên kia nỗi đau và mất mát là nhiều cái được. Những gì còn lại sau đại nạn thường là chân giá trị, là sức mạnh thật sự, mới đáng quý.
Bình luận (0)