Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, từ năm 1997-2004, UBND xã Thiệu Công đã tự ý thu tiền hợp thức hóa đất ở trước năm 1980 của 97 hộ dân với số tiền 1,7 triệu đồng/hộ. Nhiều người đóng tiền nhưng không được giải quyết đã làm đơn khiếu nại, thậm chí nhiều lần kéo xuống trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đòi nợ.
Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND xã Thiệu Công phải hoàn trả cho dân theo lãi suất tiền vay do ngân hàng công bố với số tiền tổng cộng hơn 3,1 tỉ đồng.
Do không biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để hoàn trả nên ngày 5-1-2019, UBND xã Thiệu Công đã xin vay hơn 3,1 tỉ đồng từ ngân sách huyện Thiệu Hóa để trả cho dân, cam kết trả tiền trước ngày 30-6-2019. Tuy nhiên, tới hạn trả nợ, UBND xã Thiệu Công không trả khiến Chủ tịch UBND huyện Trịnh Văn Súy nhiều lần ra văn bản đôn đốc đòi nợ. Ngày 30-3, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện này không cho xã Thiệu Công rút tiền ngân sách cho đến khi hoàn trả tiền.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trịnh Duy Sở, Chủ tịch UBND xã Thiệu Công, thừa nhận xã có vay của UBND huyện 3,1 tỉ đồng để giải quyết các sai phạm do cán bộ tiền nhiệm để lại. Nhưng sau khi vay tiền của huyện để hoàn trả nợ cho dân, xã nhiều lần có văn bản mời các ông Trịnh Văn Minh, nguyên kế toán ngân sách xã; Lê Văn Nghệ, nguyên thủ quỹ ngân sách xã và Nguyễn Văn Hồng, nguyên cán bộ địa chính xã (là những người liên quan trực tiếp tới việc thu tiền của dân để thu hồi số tiền sai phạm, khoảng 2,8 tỉ đồng, cả gốc và lãi) nhưng không được.
"Tiền sai phạm không thu hồi lại được, địa phương lại không có nguồn thu chi thường xuyên nên chúng tôi không biết lấy nguồn đâu để trả cho huyện. Chúng tôi cũng đã gửi đơn khởi kiện các cá nhân trên để thu hồi tiền sai phạm nhưng TAND cấp huyện, cấp tỉnh không thụ lý với lý do hồ sơ không rõ ràng, đầy đủ. Giờ xã cũng chẳng còn cách nào cả" - ông Sở trần tình.
Do UBND huyện phong tỏa hết tiền ngân sách chi cho địa phương nên cán bộ, công chức, cán bộ bán chuyên trách trong tháng 3 và 4-2020 không được trả lương, phụ cấp. Sau đó, UBND huyện cho xã rút tiền để chi trả lương, phụ cấp; còn chi thường xuyên của địa phương vẫn đang bị phong tỏa. "Ngày 28-4, chúng tôi mới chi trả xong lương cho cán bộ, công chức. Tâm lý anh em rất lo lắng, bản thân tôi cũng không ngờ sự việc lại như thế này" - ông Sở nói.
Ông Trịnh Văn Súy cho biết để xảy ra sự việc này, huyện cũng không mong muốn bởi thời điểm năm 2018, tình hình tại xã Thiệu Công khiếu kiện rất phức tạp. Sau đó, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối thoại với dân, chỉ đạo huyện phải xử lý dứt điểm vụ việc, kể cả phải ứng tiền ngân sách.
"Huyện không muốn tạo áp lực cho xã kiểu này, song đây là tỉnh giao trách nhiệm nên phải thực hiện. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ xin ý kiến tỉnh. Nếu tỉnh đồng ý cho xã gia hạn thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện để xã có thời gian tìm nguồn trả tiền; nếu không thì sẽ phải khởi kiện ra tòa, không còn cách nào khác" - ông Súy nói.
Bình luận (0)