Liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, chiều 8-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao đổi với báo chí
Về việc vừa qua Tổng thầu Trung Quốc "đòi" phía Việt Nam chi thêm 50 triệu USD (khoảng hơn 1.000 tỉ đồng) để chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết ông không rõ về việc này, vì chủ đầu tư dự án là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Về tiến độ đánh giá an toàn của dự án, ông Vương Đình Huệ cho biết Dự án có 13 chứng chỉ an toàn thì đã đạt được 12. Chứng chỉ cuối cùng phải chờ dự án chạy thực tế mới đánh giá được. "Dự án phải chạy được thì tư vấn Pháp họ mới có thể thực hiện đánh giá"- Bí thư Vương Đình Huệ nói.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, vướng mắc lớn nhất của dự án hiện nay là thiếu các chuyên gia phía Tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ông, đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả các dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc.
"Khi các chuyên gia sang, Hà Nội sẽ bố trí nơi cách ly tập trung theo đúng quy định, hết thời gian cách ly, nếu kết quả kiểm tra dịch tễ tốt thì các chuyên gia sẽ trở lại làm việc bình thường"- ông nói.
Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông khó hoàn thành theo kỳ vọng của Chính phủ
Nói về vai trò của Hà Nội đối với dự án này, ông Vương Đình Huệ cho rằng Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án. Hà Nội sẽ tiếp nhận và vận hành dự án. Sau này, tất cả vốn đầu tư, nợ nần của dự án là Hà Nội tiếp nhận và có nghĩa vụ trả nợ.
Hà Nội có một Tổng Công ty đường sắt, đơn vị này sẽ phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành dự án. Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ nên để càng lâu thì giữ chân được đội ngũ lao động này cũng rất khó khăn.
Theo ông, Dự án khai thác sớm được ngày nào thì tốt cho Hà Nội ngày đó, vì thế, UBND TP Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Bộ GTVT, lập Tổ công tác liên ngành để "gỡ" vướng dự án. Lãnh đạo Tổ công tác phía Bộ GTVT là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Hà Nội là Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng. Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên Bộ GTVT, việc gì liên quan tới Hà Nội thì Hà Nội sẽ giải quyết, việc gì vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Về mốc thời gian cụ thể nào "chốt" hạn Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thông tin: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phấn đấu đưa dự án vào vận hành trong năm 2020. Bản thân Hà Nội mong muốn dự án hoàn thành, khai thác càng sớm càng tốt và trước tháng 10 càng tốt.
"Hiện Tổ công tác giữa Bộ GTVT và Hà Nội chưa có báo cáo cuối cùng về tiến độ dự án này"- ông nói thêm.
Bình luận (0)