Anh Nguyễn Hữu Hải (SN 1983; ngụ xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy - nhân viên Công ty CP Khoáng sản Hoàng Long) dẫn chúng tôi vào thăm cánh rừng keo xanh tốt, do công ty mình trồng, tự hào nói rằng nơi đây 10 năm trước là những đồi cát trắng, hiếm loài cây nào có thể sống và phát triển, vì điều kiện khí hậu vùng này quá khắc nghiệt, được ví như "chảo lửa" của Quảng Bình. Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình từng trồng nhiều loại cây với mục đích chắn nạn cát bay, cát nhảy nhưng không cây nào có thể "trụ" lại được.
Ẩn sâu bên dưới các đồi cát này là một trữ lượng lớn khoáng sản titan được thiên nhiên ban tặng. Từ khi khai thác titan và thực hiện chính sách hoàn thổ trồng cây, những cánh rừng dần dà mọc lên, xanh tươi và tỏ ra thích ứng với môi trường.
Anh Hải cho biết việc trồng cây gây rừng và chăm sóc cây luôn được các doanh nghiệp khai thác titan chú trọng, nghiêm túc thực hiện với mục tiêu tạo nên màu xanh cho vùng cát. Sau khi nghiên cứu kỹ khí hậu, thổ nhưỡng, các đơn vị khai thác khoáng sản tại đây đã đặt mua các loài cây keo, tràm hoa vàng và cây dương để trồng ngay sau khi hoàn thổ, san gạt mặt bằng, theo kiểu "cuốn chiếu", hoàn thổ xong đến đâu thì trồng, chăm sóc cây đến đó.
Những khu rừng keo xanh tươi tốt sau khai thác titan ở xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình
Ít ai ngờ sau 10 năm khai thác titan, vùng đất "chang chang cồn cát" phía Nam tỉnh Quảng Bình này đã có một khu rừng tốt tươi, rộng đến gần 100 ha. Đi dọc cánh rừng, chúng tôi cảm nhận sức sống của vùng cát đã hồi sinh mạnh mẽ, những bóng cây keo, tràm hoa vàng đã tỏa bóng tạo nên bầu khí quyển trong lành, mát mẻ.
Ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Sen Thủy, cho biết hơn 10 năm trước, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho 3 doanh nghiệp khai thác khoáng sản titan tại địa bàn xã, chính quyền địa phương luôn luôn tổ chức giám sát việc thực hiện hoàn thổ của các đơn vị khai thác titan trên địa bàn. "Giờ đây, trên những đồi cát trắng xưa đã mọc lên những khu rừng trồng xanh tốt, do các đơn vị khai thác khoáng sản hoàn thổ trồng và chăm sóc trong suốt thời gian qua" - ông Bắc tự hào.
Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Hoàng Long, cho hay để thực hiện tốt việc vừa khai thác vừa chú trọng hoàn thổ, các đơn vị khai thác titan đã thống nhất thành lập riêng một ban điều hành để giải quyết "bài toán" trồng rừng nơi đây. Theo ông Long, cứ khai thác 1 ha, doanh nghiệp phải đóng góp cho ban điều hành 72 triệu đồng để hoàn thổ, trồng và chăm sóc cây. Việc này được thực hiện nghiêm túc trong 10 năm qua.
Ông Long cam kết rằng đơn vị của mình đang tiếp tục thực hiện nghĩa vụ phục hồi môi trường bằng việc trồng cây xanh sau hoàn thổ diện tích khai thác trong thời gian tới. Rồi đây, hàng trăm ha gò đồi cát ở đây được phủ xanh bằng rừng trồng. Ngoài độ che phủ, các khu rừng tràm này cũng có giá trị kinh tế không hề nhỏ cho địa phương.
Bình luận (0)