Sau khi trực tiếp khảo sát dọc sông Hậu và bờ biển sạt lở của các địa phương ven biển, ngày 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), tổ chức tại TP Cần Thơ.
Biến thách thức thành thời cơ
Vị trí quan trọng của ĐBSCL
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định BĐKH không phải là nguy cơ mà chỉ là thách thức. "Người ta nói là ĐBSCL sắp mất trong khoảng 50-70 năm nữa, trong khi nhiều đồng bằng khác ở nhiều nước cũng bị tình trạng như ta, họ đã vượt lên, làm giàu hơn. Đó có phải là thực tiễn đối với Việt Nam không?" - Thủ tướng đặt vấn đề.
Theo Thủ tướng, chúng ta không nên hoảng hốt mà cần tìm lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất; trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm giúp gần 20 triệu dân ĐBSCL cùng vượt qua thách thức.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng tỏ ra lạc quan bởi đất nước Israel khô cằn, mưa có vùng chỉ 70 mm/năm, mặn đến mức biển "chết" nhưng vẫn xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, cho giá trị gia tăng rất cao. Hà Lan cũng chỉ 4 triệu ha đất tự nhiên như ĐBSCL, trong đó 2/3 diện tích nằm dưới mực nước biển nhưng vẫn xây dựng nền nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu 120 tỉ USD.
Đồng Tháp đang triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu Ảnh: NGỌC TRINH
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất; tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển vùng theo hướng hiệu quả, bền vững, điều chỉnh hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn phù hợp; coi nước, đất và đa dạng sinh học là 3 trụ cột chính để phân vùng hợp lý; coi kinh tế biển là một động lực quan trọng cho sự phát triển của vùng.
Từ vựa lúa thành khu nông nghiệp công nghệ cao
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nêu thực tiễn tỉnh này đang tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng chuyển đổi tư duy độc canh và tăng sản lượng lúa gạo, giảm dần diện tích lúa vụ 3, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác để tận dụng nước lũ, triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH.
Đồng Tháp đang cùng Long An và Tiền Giang xây dựng đề án "Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười" dựa trên phát huy giá trị tài nguyên, văn hóa bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước. "Tinh thần cốt lõi của liên kết không phải để chia chiếc bánh mà làm sao cho chiếc bánh lớn hơn" - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Đề án xác định biến những giá trị vô hình trở thành giá trị hữu hình; biến những thách thức do tác động của BĐKH thành cơ hội, thành "đặc sản" để liên kết phát triển bền vững, hướng đến Đồng Tháp Mười sẽ có những thương hiệu chung như nông sản, du lịch gắn với đặc điểm hệ sinh thái và văn hóa Đồng Tháp Mười.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một trong những tinh thần cốt yếu chính là giữ được đất, giữ được nước, giữ được con người, trên cơ sở đó cần có tầm nhìn để xây dựng ĐBSCL từ vựa lúa trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng nêu 3 quan điểm phát triển ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống sung túc của người dân, đổi mới tư duy phát triển cổ điển sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao, quan điểm phát triển thuận tự nhiên, chống can thiệp thô bạo vào tự nhiên...
Thủ tướng giao các cơ quan tiếp thu những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, của đại diện các địa phương, tổ chức quốc tế; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL để Chính phủ bàn trong kỳ họp thường kỳ tháng 9 tới.
Thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Đại sứ Đức Christian Berger khẳng định chính phủ Đức sẽ hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những thách thức này. Đại sứ Đức đồng tình với việc cần thành lập Hội đồng phát triển vùng để điều phối chung; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo giá trị cao hơn; phối hợp thực hiện hiệu quả các dự án chống sạt lở; có giải pháp thu hút đầu tư, quản lý hiệu quả nguồn nước.
Trong khi đó, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) Louis Chamberlain khuyến cáo một số nội dung để phát triển bền vững ĐBSCL, như: Đẩy mạnh hợp tác liên chính phủ; xây dựng cách tiếp cận tổng thể mang tính chiến lược, tránh trùng lặp chính sách; bảo đảm các nguồn lực phát triển hiệu quả; có cách tiếp cận về tài chính phù hợp huy động mạnh mẽ hơn các nguồn vốn nước ngoài, tư nhân; phát huy được các tiềm năng, lợi thế của vùng từ BĐKH.
1 tỉ USD cho ĐBSCL
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện nguồn vốn hỗ trợ của trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%. Chính phủ đang tìm các nguồn đầu tư khác, trong đó có vốn ODA, Ngân hàng Thế giới (WB) để hỗ trợ ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Về đầu tư các công trình ứng phó BĐKH, từ nay đến năm 2020 sẽ giải ngân có hiệu quả 1 tỉ USD để làm một số công trình, như: cống sông Cái Lớn - Cái Bé, cống Trà Sư, cống Tha La, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng...
Bình luận (0)