Ngày 9-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai cho biết trên địa bàn có tới 245 phòng học bỏ hoang nằm rải rác ở các huyện. Tìm cách sử dụng hiệu quả số phòng học này đang là bài toán đau đầu.
Cỏ dại mọc đầy
Những huyện có phòng học bỏ hoang nhiều nhất là Kbang (81 phòng), Ia Pa (34 phòng), Đức Cơ (28 phòng), huyện Chư Păh (23 phòng).
Khi chúng tôi đến vào ngày 9-10, điểm trường thôn 3, Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa khóa cổng. Trong trường, 3 phòng học khóa trái, một số ô cửa bị vỡ. Thầy Nguyễn Trọng Ngoạn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học 2016-2017, trường chỉ huy động được 9 học sinh lớp 1, không đủ mở lớp nên các em chuyển về trường chính, trường được dùng để mở 1 lớp mầm non. Năm học 2017-2018, trên địa bàn thôn 3 chỉ có 3 học sinh ra lớp 1, không đủ để mở lớp, cũng không dùng làm trường mầm non nữa nên phải đóng cửa. "Trường có nhờ người dân trông coi giúp. Khi nào cỏ lên cao, cành cây gãy đổ thì tới cắt cỏ, dọn cây" - thầy Ngoạn nói.
Điểm trường thôn 3, Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa đóng cửa
vì không có học sinh
Trong khi đó, tại phân hiệu Linh Nham của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang) là khung cảnh rách nát, cỏ dại mọc đầy. Phân hiệu này có 4 phòng học, trong đó 2 phòng khóa cửa, 2 phòng còn lại cửa mở và đầy rác. Theo một người dân địa phương, phân hiệu này xây dựng cách đây nhiều năm nhưng bỏ hoang khoảng 3 năm nay. Phân hiệu Nhơn Bông Trường Tiểu học Ayun 2 gồm 3 dãy nhà cũng bị bỏ hoang nhiều năm nay khiến phòng học xuống cấp, cỏ mọc đầy.
Ngoài những điểm trường trên, còn hàng trăm điểm trường khác đang bị bỏ hoang, không có học sinh, cũng không được quan tâm dọn dẹp nên rơi vào tình trạng tương tự.
Chuyển đổi công năng
Theo ông Bùi Quang Tạo - Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD-ĐT Gia Lai - nhằm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các bậc học, những năm qua, tỉnh Gia Lai đã huy động nhiều nguồn vốn để xây dựng phòng học tại các làng nhằm tạo điều kiện để các em ra lớp. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi, các điểm trường chính được đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn nên phụ huynh đưa con đến đó học. Vì vậy, tại các điểm trường, học sinh giảm dần và phải để không.
Cô Hồ Thị Thảo, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Chư Păh, cho biết ngoài lý do trên còn do người dân sinh ít con dẫn đến một số điểm trường không đủ học sinh. "Hiện một số điểm trường phải để đấy vì năm này không có học sinh nhưng năm khác có thì lại bố trí" - cô Thảo nói.
Ông Tạo cho biết đối với 245 phòng học bỏ hoang, các phòng GD-ĐT huyện đã xin phép thanh lý (phá bỏ) 44 phòng hết niên hạn sử dụng, 117 phòng bàn giao cho địa phương để tổ chức các hoạt động phù hợp, số còn lại sẽ tu sửa để làm phòng học mầm non.
Báo cáo chưa đầy đủ?
Theo báo cáo về phòng học không sử dụng số 1697 ngày 22-9-2017 của Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, có 12/17 huyện, thị có phòng học bỏ hoang. Tuy nhiên, trên thực tế, một số địa phương vẫn có phòng học bỏ hoang nhưng không được nêu trong báo cáo.
Cụ thể, theo báo cáo, tại huyện Mang Yang không có phòng học nào bỏ hoang, nhưng qua khảo sát thực tế thì ngoài phân liệu Linh Nham, điểm trường Nhơn Bông đã nói ở trên còn có điểm trường thuộc Trường THCS xã Đắk Ta ley cũng đang bị bỏ hoang, cỏ mọc đầy…
Bình luận (0)