Tiếp tục kỳ họp thứ 5, ngày 13-6, Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Phải khiến người có ý định tham nhũng run sợ
Góp ý dự thảo luật, đại biểu (ĐB) QH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu lên trường hợp cụ thể: "Khi cuộc chiến chống tham nhũng bước vào giai đoạn cao trào thì 5 cán bộ hải quan Hải Phòng nhận mức kỷ luật khiển trách cho hành vi nhận hối lộ. Đây như cái tát vào cuộc chiến chống tham nhũng". Theo ông Nhân, "mức kỷ luật đầy tình người và đầy ẩn ý" dành cho các cán bộ hải quan Hải Phòng không khác nào sự dung dưỡng cho cái ác, cái xấu tiếp tục lộng hành và gặm nhấm niềm tin của người dân. Từ đó, ông Nhân cho rằng để chống tham nhũng, cần phải giải được 4 ẩn số: Không dám, không thể, không cần và không được tham nhũng. "Bốn ẩn số này đã được Singapore tìm ra, tạo nên một trong những chính phủ trong sạch nhất thế giới" - ông Nhân nhận xét.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân: Phải làm cho người có ý định tham nhũng biết run sợ khi nhen nhóm ý định nhúng chàm - Ảnh: QUANG VINH
Cho rằng đây là mô hình Việt Nam nên hướng tới, ông Nhân còn nhấn mạnh phải coi việc không dám tham nhũng là chế định quan trọng nhất trong dự thảo luật, thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật, làm cho người có ý định tham nhũng biết run sợ khi nhen nhóm ý định nhúng chàm.
ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ qua tiếp xúc, ghi nhận ý kiến cử tri thì thấy nhân dân rất mừng vì sự quyết tâm của Đảng trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là với những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương và Ủy ban Kiểm tra trung ương. "Cử tri, nhân dân mong muốn phải kiên quyết, kiên định tiêu diệt tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản trong phòng chống tham nhũng" - ông Việt truyền đạt ý nguyện của cử tri.
Góp ý về tên gọi của luật, ĐB Việt nói cử tri, nhân dân có ý kiến sửa tên luật thành Luật Phòng trừ tham nhũng. Nguyên nhân theo ông là bởi: "Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói là diệt chứ không nói là chống".
Ông Việt cũng góp ý luật nên quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng bởi đây là sự nghiệp của toàn dân. Đồng thời, quan tâm đến công tác khen thưởng với người có đóng góp trong phòng chống tham nhũng. "Trong chống Mỹ, chúng ta có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong công tác này phải có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng" - ĐB Việt đề xuất.
Kiểm soát cả tài sản người thân?
Thảo luận về kiểm soát tài sản, thu nhập, ĐB Phạm Trọng Nhân đồng tình với việc phải minh bạch và kiểm soát cho được vấn đề này. Song, ông cho rằng nếu chỉ kiểm soát tài sản của các đối tượng như dự thảo hiện hành mà bỏ qua kiểm soát tài sản của những người thân thích, họ hàng và rộng hơn là trong toàn xã hội thì sẽ còn nhiều lỗ hổng chưa thể bịt hết được. "Thực tế, không ít hiện tượng có tài sản nhưng nhờ người khác đứng tên kiểu "hồn Trương Ba da hàng thịt". Vậy cơ chế kiểm soát và xử lý ở đâu trong dự luật này? Đề nghị đẩy mạnh ứng dụng kê khai điện tử, xử lý theo dõi biến động tài sản bằng phần mềm, nếu không, câu chuyện kê khai hình thức sẽ chắc chắn tái diễn" - ĐB Nhân góp ý.
Cùng quan tâm đến việc kê khai tài sản, thu nhập, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi có những đối tượng lọt khỏi quy định kê khai. Ví dụ có những cô gái 19 tuổi đã có biệt phủ xây trên đất hàng ngàn mét vuông; có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ nguy nga… Những việc này báo chí phản ánh, dư luận xôn xao song không xử lý được vì con cái độ tuổi thành niên thì không phải kê khai tài sản, thu nhập. "Vì không có luật nên chúng ta đã thua về lý. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật để có thể yêu cầu con thành niên cũng phải kê khai tài sản. Lò đã đỏ lửa nhưng có nóng đến triệu độ mà lỗ hổng trong luật vẫn còn thì nhân dân, chính quyền không thể lấy được củi tham nhũng để cho vào lò" - ĐB Trí ví von.
ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) dẫn tình huống giả định thú vị: Có ông bố nghèo ở quê nhưng có 2 con làm quan lớn. Trước khi từ trần, ông bố mời luật sư và gọi 2 con đến, thông báo để cho mỗi con 500 cây vàng. Các con rất ngạc nhiên, hỏi bố tại sao có khoản tiền to như vậy? Ông bố nói rằng làm như thế chỉ để phòng các con phát sinh tài sản thì khi kê khai có nguồn gốc rõ ràng... Từ câu chuyện này, ông Hạ khái quát thực tế hiện nay, hầu hết tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố mẹ, anh chị em, con cháu ruột thịt đứng tên… để hợp thức hóa. Do vậy, để giám sát tài sản kê khai, nên niêm yết tài sản lên các trang điện tử để nhân dân giám sát bởi không cơ quan có thẩm quyền kiểm soát nào có đủ người, đủ chuyên môn, đủ khả năng để theo dõi, xác minh được tất cả.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) góp ý có thêm quy định phải khai thuế thu nhập cá nhân hằng năm với tất cả các vị trí có khả năng tham nhũng. "Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng dễ dàng giám sát, theo dõi. Không có lý do gì mà đóng thuế thu nhập cá nhân từ 1-2 triệu đồng/năm mà người đó vẫn có thể mua được nhà, mua được ôtô" - ông Hiếu nói.
Thận trọng kê khai tài sản khu vực tư nhân
Bàn về việc kê khai tài sản ở khu vực tư nhân, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng ứng xử với khu vực này giống với khu vực công là chưa phù hợp. "Đề nghị cơ quan soạn thảo phải đánh giá kỹ tác động của quy định này, nhất là tác động đến chủ trương của Đảng về khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài" - bà nói.
Cần làm rõ khái niệm về tài sản bất minh
Giải trình thêm về các ý kiến của ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy phòng, chống tham nhũng là một đòi hỏi tất yếu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và quá trình hội nhập của khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện cụ thể ở mỗi quốc gia mà mức độ điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước có sự khác nhau về biện pháp áp dụng, mức độ ràng buộc và cơ chế phát hiện, xử lý vi phạm. "Do vậy, dự thảo luật chỉ quy định việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội mà huy động thường xuyên nguồn lực của nhân dân đóng góp để làm từ thiện, chứ không quy định hết tất cả các giải pháp phòng ngừa, cũng như hết các đơn vị, tổ chức ngoài khu vực nhà nước" - ông Khái giải thích.
Về mức thuế đánh vào tài sản không kê khai được hợp lý, dự thảo luật đưa ra theo phương án là 45% và nhiều ĐBQH đã có ý kiến, Tổng Thanh tra giải thích rõ theo pháp luật hiện hành về thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất thấp nhất là 0,1% và cao nhất là 20% trong biểu thuế toàn phần. Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất thuế suất ở mức trung bình là 15% cộng với mức thuế phạt bằng 2 lần tiền thuế phải nộp, tức là 30%. Như vậy, thuế suất tổng cộng là 45% và đề xuất này cũng được Bộ Tài chính đồng tình.
"Qua thảo luận, các ĐB cơ bản thống nhất với việc cần thiết phải xử lý loại tài sản thu nhập kê khai không trung thực cũng như không giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc nhưng đề xuất một số phương án xử lý tài sản thu nhập khác. Theo đó, cần làm rõ một số khái niệm về tài sản thu nhập bất minh, bất hợp pháp. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình làm rõ để hoàn thiện dự án luật nhằm có phương án xử lý tài sản thu nhập phù hợp với pháp luật và đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra" - ông Khái nhấn mạnh.
Bình luận (0)