Trao đổi về BOT Cai Lậy vào sáng 4-12, ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, nói thẳng: "Cái gì chưa đúng thì phải sửa". Ông Chiểu cho rằng dự án làm ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó.
Cần thiết, bao nhiêu cũng vẫn phải chi
"Dự án BOT, về nguyên tắc tối cao là phải để cho dân có quyền lựa chọn. Vậy dự án này có làm theo nguyên lý đó không?" - ông Chiểu đặt vấn đề, đồng thời cho rằng thực tế nhiều trạm BOT thực hiện không đúng nguyên lý, làm dự án một chỗ nhưng lại đặt trạm thu phí ở chỗ khác.
Trả lời báo chí, đại diện Vụ Đối tác Công - Tư (PPP), Bộ GTVT, cho biết hiện trên Quốc lộ (QL) 1 có 7 trạm thu phí BOT tương tự như Cai Lậy. Nếu mua lại thì phải mua cả 7 trạm, ước tính khoảng 8.500 tỉ đồng. "Đừng vin vào vấn đề ngân sách khó khăn hay nợ công. Việc Bộ GTVT nói không có tiền chỉ là một phía. Quan trọng nhất là chi đúng hay không. Nếu sai thì một đồng cũng không chi, nhưng nếu đúng và cần thiết thì một triệu đồng vẫn phải chi" - ông Chiểu nói.
Người dân lưu thông qua trạm thu phí BOT Cai Lậy Ảnh: LÊ PHONG
Từ những lý do đó, ông Trần Quang Chiểu cho rằng để thuận lòng dân trong vấn đề BOT Cai Lậy, phải làm theo đúng nguyên lý: cái gì không đúng, trước sau phải trở về đúng. Nếu chỉ giải quyết vấn đề một cách vá víu thì có thể ví câu chuyện BOT đang như chiếc săm xe bị thủng nhiều chỗ. Vá chỗ này sẽ bục chỗ khác. Cách tốt nhất là phải thay cái săm ấy đi. Việc miễn, giảm phí không thể giải quyết được vấn đề. Nếu coi dự án BOT đó là hàng hóa, thì ai mua hàng mới phải trả tiền, không mua thì không phải trả tiền.
Đã trở thành vấn đề xã hội
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng "rất đau lòng" khi những bất cập của BOT Cai Lậy - một vấn đề đơn thuần thuộc về kinh tế lại trở thành vấn đề xã hội bức xúc. Việc chậm trễ giải quyết những bức xúc, tồn tại là nguyên nhân kéo dài sự lộn xộn ở BOT Cai Lậy. Do đó, phải sớm có một quyết sách để giải quyết dứt điểm.
Ông Liên khẳng định việc đặt trạm BOT Cai Lậy trên QL1 là sai. Và khi đã sai thì rõ ràng phải nhận lỗi, nhận khuyết điểm. Các cơ quan nhà nước phải nhận lỗi với dân chứ không thể làm căng. Về quyền lợi của người dân, dự án BOT Cai Lậy chỉ đầu tư có hơn 12 km tuyến tránh nhưng mức thu phí như hiện nay là quá cao. Khi cơ quan nhà nước và nhà đầu tư đã đặt trạm BOT Cai Lậy không đúng vị trí thì cần phải làm việc với nhà đầu tư để bàn biện pháp khắc phục để đáp ứng nguyện vọng của người dân, phù hợp với các quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý sai thì phải nhận sai để khắc phục, chứ không thể cứ cho rằng "tôi làm thế này đúng".
"Việc di dời trạm sẽ liên quan đến hợp đồng kinh tế. Vậy muốn di dời phải giải quyết hậu quả của hợp đồng kinh tế đó. Do đó, các bên có liên quan phải ngồi với nhau để giải quyết, nhằm ổn định xã hội. Tôi cho rằng, mỗi bên - cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và cả người dân, phải lùi một chút để giải quyết, nếu không sẽ rất khó" - ông Bùi Danh Liên cho hay.
Tài xế trả tiền lẻ, BOT Ninh An xả trạm
Từ sáng 4-12, các tài xế tiếp tục sử dụng tiền lẻ để qua trạm thu phí BOT Ninh An (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), gây nên tình trạng kẹt xe kéo dài nhiều cây số. Lãnh đạo trạm thu phí BOT Ninh An phải xả trạm khoảng 30 phút vào cuối buổi trưa.
Theo các tài xế, họ bức xúc trả tiền lẻ vì khi họ đi từ Đắk Lắk theo Quốc lộ 26 xuống Quốc lộ 1 để vào Nam, chỉ qua đoạn đường BOT Ninh An trên quốc lộ vài cây số nhưng phải trả phí nguyên cả cung đường. Trong khi đó, trạm BOT trên Quốc lộ 26 chỉ cách trạm BOT Ninh An khoảng 20 km.
K.Nam
Thái Nguyên: Kiến nghị dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị dỡ bỏ Trạm thu phí BOT Bờ Đậu (đặt tại Km77+922,5 QL 3 cũ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) thuộc dự án cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới.
Nội dung văn bản nêu, dự án cao tốc này dù đã đưa vào sử dụng nhưng nhà đầu tư chưa thể thực hiện việc thu phí do dư luận kiến nghị, phản đối về vị trí đặt trạm. Thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn, nguy cơ phá sản của nhà đầu tư. UBND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị điều chỉnh hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư, dỡ bỏ Trạm thu phí BOT Bờ Đậu; cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặt trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Thái Nguyên - Chợ Mới. Hoặc có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách trung ương cho nhà đầu tư phần doanh thu bị giảm do xóa bỏ trạm thu phí trên QL 3 cũ; kéo dài thời gian thu, tạo điều kiện hoàn vốn, tránh nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư và tránh bức xúc trong nhân dân.
M.Chiến
Bình Dương: Mua lại trạm thu phí An Phú
Năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương mua lại trạm thu phí An Phú (trên Tỉnh lộ 743, dài 12,3 km) và xóa sổ luôn trạm này. Tiền mua trạm được trích từ ngân sách, chưa đến 40 tỉ đồng. Một cán bộ UBND tỉnh Bình Dương cho biết để có được giá mua "phải chăng" như vậy, tỉnh đã có nhiều ngày đàm phán, thương lượng với chủ đầu tư. Phía UBND tỉnh cho rằng trạm này đã đặt nhiều năm, thu nhiều tiền hoàn vốn vì vậy không thể bán lại với giá quá cao. Tỉnh lộ 743 hiện đang trong giai đoạn áp giá đền bù để mở rộng lên 6 làn xe, vốn đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng.
N.Phú
Bình luận (0)