Ngày 26-10, BOT Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã thu phí trở lại với sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Thắt chặt an ninh
Thời điểm bắt đầu thu phí trở lại, khu vực BOT Biên Hòa có đông đảo lực lượng chức năng gồm: CSGT, Cảnh sát cơ động và nhiều bộ phận khác. Trong một động thái khác, dải phân cách cứng chia 2 phần Quốc lộ 1 phía Bắc của trạm được dỡ bỏ để người dân khu vực này có thể sang đường. Một số biện pháp "khắc phục" cũng đã được thực hiện trong thời gian gần đây như phí giảm, người dân quanh trạm được miễn phí.
BOT Biên Hòa thu phí trở lại trong ngày 26-10Ảnh: Xuân Hoàng
Cùng ngày, chủ đầu tư BOT Biên Hòa đã cung cấp một văn bản kết luận về cuộc họp của UBND tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan một ngày trước đó. Văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai có nội dung: Ngày 25-10, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã chủ trì cuộc họp xử lý tình hình bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực trạm thu phí dự án tuyến Quốc lộ 1 và đoạn tránh TP Biên Hòa.
Cuộc họp có đủ các cơ quan liên quan trong tỉnh như Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ tỉnh… Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy tập trung tuyên truyền về tính pháp lý và chủ trương đầu tư BOT Biên Hòa. UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các lực lượng xử lý kịp thời những tình huống có thể xảy ra, không để đối tượng xấu lợi dụng kích động người dân tụ tập cản trở, gây ùn tắc giao thông.
Chưa khách quan nên dân mất lòng tin
Liên quan đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) vừa ban hành nghị quyết, trong đó có quy định các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với những tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng đây là sự phát hiện, nhận diện những vấn đề về BOT; còn xử lý như thế nào là trách nhiệm mà Chính phủ phải làm. Bây giờ, Chính phủ phải cụ thể hóa nghị quyết đó. Bộ, ngành, cơ quan nào cần hoàn thiện cái gì thì Chính phủ phải tính toán.
Ông Phong dẫn ví dụ việc hệ thống pháp luật về đầu tư BOT thời gian qua chỉ được điều chỉnh bởi các nghị định nên đã bị thao túng, can thiệp "lợi ích nhóm" và làm không đúng như mục tiêu mong muốn. "Muốn hoàn thiện hệ thống pháp luật thì Chính phủ phải sửa và xây dựng luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó có loại hình BOT. Ngoài ra, những gì sai trong đầu tư BOT thời gian qua, Chính phủ phải nhận diện và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành thì mới có thể thu hút đầu tư hơn nữa vào BOT" - ông Phong nói.
Theo ông Phong, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực muốn đầu tư nhưng không vào được. Vì sao? Vì chỉ định thầu, lợi ích nhóm trong đó. Hoặc thay vì làm một con đường song song để người dân được chọn lựa thì lại cho đầu tư làm một đoạn hoặc vá quốc lộ, rồi lập trạm BOT để thu phí trên tuyến đường độc đạo đó. Hay qua kiểm toán cũng đã yêu cầu giảm thời gian thu phí của nhiều dự án BOT cả 100 năm… "Rõ ràng công tác thẩm định, phê duyệt ban đầu chưa khách quan nên dân mất lòng tin là đương nhiên" - ông Phong bày tỏ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho rằng Chính phủ phải sửa những cái sai, bất cập trong triển khai, thực hiện đầu tư BOT thời gian qua một cách quyết liệt. "Quy trách nhiệm rõ đối với các bộ, ngành để xảy ra sai phạm; loại bỏ tình trạng "tay không bắt giặc" trong đầu tư BOT" - ông Phong nhấn mạnh.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng qua nghiên cứu hồ sơ một số dự án BOT, cho thấy việc vị trí đặt trạm BOT đều được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý. "Vậy nếu nhà đầu tư phải di dời trạm, thiệt hại đến kinh tế thì ai chịu trách nhiệm?" - ông Nhưỡng đặt vấn đề.
Theo ông Nhưỡng, nếu nhà nước sai thì phải sửa và xác định trách nhiệm của chủ thể ra các quyết định không hợp pháp để từ đó xác định trách nhiệm cá nhân, chứ chúng ta không thể đổ lỗi hay chỉ rút kinh nghiệm một cách chung chung. "Trách nhiệm cụ thể của tập thể và cá nhân phải rõ ràng, đồng thời xử lý tương xứng với tính chất, mức độ của các sai phạm" - ông Nhưỡng nêu.
Cần quan tâm quyền lợi người dân
Người dân khu vực BOT Biên Hòa cho rằng chính quyền địa phương cần quan tâm những quyền lợi của người dân vì việc đặt trạm đúng vị trí, bảo đảm nguyên tắc và lợi ích hài hòa không phải là quá khó đối với chủ đầu tư. "Giải pháp đơn giản nhất là để nguyên trạm cũ trên quốc lộ với mức phí hợp lý và đặt trạm khác trên tuyến tránh để thu phí xe đi đường này là thuyết phục nhất" - một người dân kiến nghị.
Bình luận (0)