Theo thống kê 9 tháng năm 2018, tuyến xe buýt nhanh BRT đạt 92.838 lượt xe, số lượng hành khách là 3,72 triệu lượt; trung bình 40,2 khách/lượt/tuyến trong khi công suất tiêu chuẩn là 90 khách/lượt. Với con số này, công suất của tuyến BRT mới chỉ đáp ứng được chưa đầy 50% công suất.
Nhiều sai phạm vẫn đánh giá tốt
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận về quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm định phê duyệt kế hoạch cũng như đầu tư xây dự án xe buýt nhanh BRT, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm gây thất thoát ngân sách hàng chục tỉ đồng.
Theo TTCP, để thực hiện hệ thống xe buýt nhanh có tổng vốn lên tới 53,6 triệu USD này (vay Ngân hàng Thế giới), UBND TP Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn đi nghiên cứu, khảo sát mô hình này tại Brazil, Colombia, Ecuador, Indonesia (năm 2004, 2009, 2014). Kết quả là 1 đoàn không có báo cáo kết quả, 2 đoàn có báo cáo nhưng lại không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát. Các tổ được cử đi không có tài liệu để tham gia, đóng góp đối với việc lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xe BRT. Do đó không đạt mục tiêu của việc khảo sát.
Kết luận nêu rõ dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra và có nhiều vấn đề trong suốt quá trình khảo sát, đầu tư xây dựng dự án. Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
Trách nhiệm đối với những sai phạm trong dự án thuộc về UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải, ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế.
Tuy nhiên, mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lại khẳng định các chuyên gia đánh giá dự án xe buýt nhanh BRT với vốn vay từ Ngân hàng Thế giới triển khai từ năm 2007, sau 9 năm thì đưa vào hoạt động là dự án có hiệu quả.
Tuyến xe buýt BRT ít được người dân sử dụng ở những giờ bình thường
Ai sai phải chịu trách nhiệm
Phân tích về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, người nhiều năm nghiên cứu về vấn đề giao thông đô thị, nhận định: "Với công suất và hiệu quả như hiện nay, nếu BRT còn tiếp tục vận hành thì sẽ còn phải bù lỗ nhiều. Bởi tiêu chí của BRT là 3-5 phút phải có 1 chuyến, 1 ngày phải chở được 30.000-40.000 khách mới có hiệu quả".
Theo ông Thủy, việc dự án BRT không đạt hiệu quả như mong muốn cần có sự nhìn nhận rõ ràng và phải có người chịu trách nhiệm chính. Không thể để tiền ngân sách đi vay mất đi trong khi lợi ích của người dân lại không được bảo đảm, để rồi cứ dự án nào thí điểm thất bại rồi lại cho qua. Các cá nhân hay cấp thẩm quyền nào đã làm sai thì phải có trách nhiệm với xã hội, với nhà nước.
Đồng quan điểm, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cũng nêu quan điểm: "Thực tế, dự án BRT hiện nay của Hà Nội là không khả thi. Những dự án nào đầu tư nhiều mà không hiệu quả thì nên xem xét mạnh dạn bỏ. Những người chủ trương trong vấn đề này cũng cần xem xét truy trách nhiệm, xử lý đến cùng".
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết hiện sở đã bàn giao lại toàn bộ dự án cho ban quản lý dự án đầu tư chứ sở không còn quản lý nữa.
Tuyến xe buýt nhanh BRT lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ ngày 1-1-2017, tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỉ đồng), dài 14,77 km; sử dụng 26 xe, mỗi xe giá hơn 5 tỉ đồng. Xe buýt nhanh có tốc độ trung bình trên tuyến gần 20 km/giờ.
Bình luận (0)