Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, vừa giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản đề nghị các đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm và đơn vị vận tải hoạt động trên địa bàn TP phải tạm ngưng kết nối, ngưng đầu tư thêm xe mới. Việc này nhằm khống chế số lượng xe, ổn định hoạt động kinh doanh vận tải cho đến khi Bộ GTVT tổ chức tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm Đề án triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, từ tháng 1-2016.
Vỡ quy hoạch
Đề nghị ngưng kết nối, ngưng đầu tư thêm xe đối với các đơn vị cung cấp phần mềm và đơn vị vận tải, UBND TP HCM đã xem xét dựa trên kiến nghị của Sở GTVT TP. Trước đó, Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND TP xem xét đề nghị các đơn vị cung cấp phần mềm như Uber, Grab tạm ngưng cung cấp kết nối thêm xe mới, đồng thời xem xét việc ngưng mở rộng thí điểm loại hình này do số lượng phương tiện đã bùng phát quá lớn.
Số lượng ô tô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại TP HCM tăng rất nhanh
Theo Sở GTVT, từ lúc bắt đầu thực hiện thí điểm loại hình như của Grab, Uber, số lượng ô tô từ 9 chỗ trở xuống đăng ký mới tại TP tăng chóng mặt. Vào khoảng cuối năm 2015, TP chỉ có từ 200 - 300 xe chạy hợp đồng đường dài nhưng đến đầu năm 2016 - khi bắt đầu cho thí điểm phần mềm Grab - số lượng xe tăng đột biến lên 2.437 chiếc. Con số này tiếp tục tăng lên khoảng 15.000 xe vào thời điểm tháng 6-2016 và đến đầu tháng 7-2017 đã gần cán mốc 24.000 xe. Nếu cộng con số thống kê như trên với khoảng 11.060 taxi truyền thống đang hoạt động thì số lượng ô tô 9 chỗ trở xuống tham gia kinh doanh vận tải hành khách tại TP đã lên tới gần 35.000 xe. Trong đó, lượng xe được cấp phép theo ứng dụng phần mềm Grab là 14.100 (tính đến tháng 8-2017), chưa kể còn một lượng lớn xe không đăng ký kinh doanh tham gia hoạt động ứng dụng phần mềm Uber cũng đang hoạt động.
Theo quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng taxi trên địa bàn TP HCM đến năm 2020, số lượng xe không vượt quá 14.500 và năm 2025 là 16.500. Như vậy, nếu tính cả số lượng xe tham gia các phần mềm như của Uber, Grab... (bản chất hoạt động như taxi) thì ngoài việc đã vượt gần gấp đôi quy hoạch, còn đẩy nguy cơ ùn tắc giao thông trở nên trầm trọng.
Trong văn bản đề nghị ngưng kết nối, ngưng đầu tư thêm xe đối với các đơn vị cung cấp phần mềm và đơn vị vận tải, ông Trần Vĩnh Tuyến giao Sở GTVT khẩn trương rà soát, dự thảo văn bản kiến nghị Bộ GTVT sớm tổng kết đề án thí điểm nêu trên, trình UBND TP xem xét. Nội dung văn bản cũng đề nghị Cục Thuế TP tham mưu về việc quản lý thuế đối với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi; kinh doanh dịch vụ Uber, Grab và các loại hình tương tự… Các thông tin này phải công khai, minh bạch để tránh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại giữa các đơn vị taxi truyền thống với taxi công nghệ. Việc này cũng được xem là rất cần thiết bởi trước đó, các doanh nghiệp taxi truyền thống liên tục cho rằng Grab, Uber không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định, hưởng nhiều ưu đãi.
Nên ngưng mở rộng
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, cho rằng việc thí điểm loại hình kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng điện tử như của Uber, Grab là xu thế chung, có nhiều tích cực. Cụ thể là giảm lượng xe chạy rỗng trên đường cũng như hạn chế nhu cầu cá nhân mua, sở hữu phương tiện. Tuy nhiên, việc thử nghiệm hợp đồng điện tử cần phải khống chế số lượng xe để giảm áp lực lên hạ tầng giao thông. Dù chưa có đánh giá cụ thể nào nói về việc Uber hay Grab là nguyên nhân gây tắc đường nhưng thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông tại TP HCM đang quá tải nghiêm trọng nên không thể phủ nhận nếu không khống chế số lượng xe, áp lực sẽ càng lớn.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Xe khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, cũng cho rằng việc tạm ngưng kết nối, ngưng đầu tư thêm xe đối với các đơn vị cung cấp phần mềm và đơn vị vận tải là giải pháp cần thiết cho TP HCM hiện nay. Ông Tính nhìn nhận từ lúc bắt đầu cho thí điểm ứng dụng phần mềm Grab, số lượng ô tô dưới 9 chỗ tại TP HCM tăng quá nhanh. Việc này không chỉ gây áp lực kẹt xe, khiến hạ tầng càng quá tải mà còn bị phản ứng của nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống... Những hệ lụy này, ông Tính cho rằng một phần do các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT và Sở GTVT TP HCM, đã chậm can thiệp, định hướng phù hợp. Dù vậy, việc ngưng mở rộng hoạt động của loại hình như Uber, Grab, ông Tính đánh giá chỉ là giải pháp trước mắt; về lâu dài thì nên có phương án tổng thể, phải xác định để các loại hình vận tải tự phát triển, tự cân bằng theo quy luật cung - cầu của thị trường.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, thẩm quyền quản lý Uber, Grab thuộc về các địa phương đang thực hiện thí điểm nên sức ép đối với các sở GTVT là rất lớn. Trong khi đó, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc quản lý loại hình này với taxi truyền thống. Vì thế, việc TP HCM đưa ra đề nghị ngưng kết nối, ngưng đầu tư thêm xe đối với các đơn vị cung cấp phần mềm và đơn vị vận tải, ông Sanh đánh giá là phù hợp nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Sau khi kết thúc quá trình thí điểm, ông Sanh nhìn nhận phải rõ ràng trong quy hoạch, định hướng cụ thể cho loại hình này và taxi truyền thống để phát triển tương xứng với nhu cầu xã hội, hạ tầng đô thị.
Cân nhắc khi mua xe chạy Grab, Uber
Ngoài việc gửi văn bản cho các đơn vị cung cấp sử dụng phần mềm như Grab, Uber tạm ngưng kết nối thêm xe mới, Sở GTVT TP HCM cũng khuyến cáo các cá nhân nên cân nhắc đầu tư thêm xe để tham gia kinh doanh vận tải theo hợp đồng nhằm tránh rủi ro, gặp khó khăn do không lường trước các vấn đề khi điều chỉnh quản lý đối với loại hình như Uber, Grab sau giai đoạn thí điểm. Riêng số lượng xe hợp đồng đã được cấp phép, Sở GTVT cũng cung cấp danh sách cho Công an TP HCM để hỗ trợ việc nhận diện, giúp công tác kiểm tra, xử lý thuận lợi hơn.
Bình luận (0)