Ngày 9-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban Chỉ đạo), đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương.
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết từ ngày 25-9 đến 8-10, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước. Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo tình hình dịch trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo nếu chủ quan, lơ là. Theo báo cáo, từ ngày 1-10 đến nay, tại 43 tỉnh - thành ghi nhận khoảng 180.000 người trở về địa phương, trong đó có 1.031 người qua xét nghiệm đã dương tính với SARS-CoV-2.
Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị có hướng dẫn thống nhất việc đón người dân về quê hoặc trở lại nhà máy làm việc bảo đảm an toàn, tránh bị động, lúng túng. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương phối hợp với các bộ để mở lại giao thông liên tỉnh, không để giao thông vận tải là điểm nghẽn, không "ngăn sông cấm chợ" để mở cửa nền kinh tế, phục hồi và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các ý kiến cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Y tế, đánh giá tình hình dịch bệnh trong 2 tuần qua đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Thủ tướng cũng đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.
Thủ tướng chỉ đạo phải bảo đảm lưu thông, vận tải hàng hóa thông suốt trên toàn quốc. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng cũng bày tỏ quan tâm trước một số việc nổi lên trong hai tuần qua. Đó là người dân trở về quê và từ quê quay trở lại; vận tải, lưu thông hàng hóa còn ách tắc; ứng dụng công nghệ còn trục trặc; việc chăm lo đời sống nhân dân vẫn còn sót lọt một số đối tượng… "Trong thời gian tới, phải có tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới hơn, sát tình hình thực tế hơn, phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội" - Thủ tướng quán triệt.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thời gian tới. Theo đó, phải ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp, hiệu quả và tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương không ban hành quy định trái với nguyên tắc chung nhưng cũng không cứng nhắc mà vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng địa bàn.
Về chiến lược vắc-xin, Thủ tướng giao Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể về lượng vắc-xin tiếp nhận trong những ngày tới, trong tháng 11, tháng 12 và năm 2022; chịu trách nhiệm hướng dẫn và phân bổ, điều tiết lượng vắc-xin đã có, tổ chức tiêm vắc-xin khoa học, an toàn, hiệu quả.
Về lưu thông hàng hóa, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. "Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. Thận trọng, không chủ quan nhưng phải làm, có lộ trình, trước hết thí điểm một tuần, sau đó sơ kết, cái gì tốt thì tiếp tục làm, không tốt thì dừng" - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các lực lượng chi viện tiếp tục kiên trì ở lại các tỉnh - thành phố phía Nam tới khoảng cuối tháng 10, khi việc bao phủ vắc-xin cho người dân đã đạt mức tương đối an toàn.
Tháng 10-2021, tiêm vắc-xin cho trẻ em
Bộ Y tế ngày 9-10 cho biết đang xây dựng hướng dẫn và kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi, sau đó sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn. Dự kiến việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 sẽ được triển khai ngay trong tháng 10 này.
Cũng theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã tiêm được gần 52 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó hơn 14,2 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỉ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến trong 3 tháng cuối năm sẽ có khoảng 48 triệu liều vắc-xin Pfizer về Việt Nam, riêng tháng 10 là 12 triệu liều, tháng 11 và 12 khoảng 36 triệu liều.
Theo cập nhật của Bộ Y tế đến ngày 9-10, cả nước ghi nhận 4.513 ca mắc Covid-19. Trong ngày, thêm 1.319 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 760.801 người.
N.Dung
Bình luận (0)