Những vụ tài xế sử dụng rượu bia liên tiếp gây tai nạn thảm khốc khiến nhiều người tử vong thời gian qua, như vụ tông chết nữ công nhân môi trường hay 2 phụ nữ trong hầm Kim Liên, đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận cả nước.
Nguyên nhân chính trong các vụ gây tai nạn chết người mà tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích đều xuất phát từ điều đã được cảnh báo từ lâu, đó là "điểm đen ý thức" của người điều khiển phương tiện giao thông. Khi họ có được tấm giấy phép lái xe tức là đã được học và biết luật giao thông quy định rất rõ nếu sử dụng rượu bia thì không được điều khiển ôtô.
Vì sao "điểm đen ý thức" là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông? Phải chăng chế tài pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe?... Luật hiện quy định hình phạt cao nhất đối với tội danh vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là 15 năm tù. Nặng hay nhẹ có thể còn tùy nhận thức chủ quan của mỗi người, song nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này chưa đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, ý thức là điều không thể chỉ cải tạo bằng chế tài pháp luật. Có nhiều cách thức khác có thể có hiệu quả không kém hình phạt của pháp luật. Đề cập tình trạng sử dụng rượu bia vẫn cố tình điều khiển phương tiện giao thông trong một phiên họp ngày 9-5 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng ngoài các mức xử phạt còn có thể bắt lao động công ích như buộc nạo vét sông Tô Lịch hay thu gom rác thải.
Những ai thấy được hiệu quả của hình thức phạt đánh roi nơi công cộng với việc có được một đất nước Singapore xanh - sạch-đẹp - văn minh đều ủng hộ chế tài bổ sung với những người vi phạm pháp luật do kém ý thức. Mới đây, một ngõ nhỏ ở Hà Nội đã giải quyết triệt để tình trạng đổ rác trộm khi lắp camera ghi hình và dán ảnh người đổ rác trộm dù trước đó đã dùng nhiều phương cách song vẫn vô hiệu với "rác tặc".
Với những hành vi vi phạm pháp luật hay thiếu văn minh, vô văn hóa... thì chế tài pháp luật vẫn chưa đủ để ngăn chặn, hạn chế hiệu quả. Khó có chuyển biến thật sự với những hành vi này nếu vẫn còn "điểm đen ý thức" trong não bộ người vi phạm. Nỗi xấu hổ khi lỗi lầm bị phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ của người vi phạm luật giao thông, xả rác bừa bãi... lúc thi hành những hình phạt bổ sung như lao động công ích có khi còn hiệu quả chẳng kém chế tài pháp luật. Ý thức có thể cải tạo không chỉ bằng chế tài pháp luật mà bằng chính việc "đánh" vào ý thức!
Bình luận (0)