Tổng cục Đường bộ vừa có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư BOT; Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC); Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI); các Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV và Cục Quản lý đường bộ cao tốc tổ về chức giao thông tại các trạm thu phí.
Đường không sửa phải dừng thu phí
Theo văn bản này, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông khu vực các trạm thu phí BOT trên các quốc lộ và bảo đảm điều kiện lưu thông thông suốt của người dân, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán 2018, Tổng cục Đường bộ giao các đơn vị nêu trên rà soát hiện trạng biển báo tại các cửa trạm thu phí để tổ chức giao thông theo hướng lắp đặt biển "Cấm đỗ xe" phía trước trạm thu phí.
Căn cứ điều kiện thực tiễn và theo các quy định hiện hành, Tổng cục Đường bộ đề nghị các nhà đầu tư BOT, VEC và VIDIFI chủ trì, phối hợp với các Cục Quản lý đường bộ và các cơ quan, đơn vị liên quan để chủ động, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp bảo đảm giao thông qua trạm thu phí an toàn, thông suốt.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ cũng có văn bản yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư BOT và các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn giao thông; sửa chữa kịp thời các hư hỏng trong thời gian khai thác. Trường hợp công trình BOT hư hỏng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà nhà đầu tư, doanh nghiệp bị nhắc nhở nhưng không sửa chữa khắc phục hoặc sửa chữa chậm, các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải báo cáo và đề xuất Tổng cục Đường bộ dừng thu phí.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết các tài xế có thể tạm dừng mấy phút để trả phí, kể cả bằng tiền lẻ nhưng cố tình đỗ xe ở trạm để cản trở giao thông là vi phạm.
Ngoài việc treo biển cấm dừng xe quá 5 phút, tổng cục sẽ làm việc với các địa phương để tuyên truyền đến người dân nghiêm chỉnh chấp hành. Theo ông Huyện, vào dịp trước và sau Tết, lượng phương tiện lưu thông rất lớn, vì thế phải có giải pháp để hạn chế ùn tắc qua các trạm thu phí do xe dừng đỗ quá lâu.
Cắm biển cấm là cần thiết?
Chiều 16-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ - cho biết việc chỉ đạo cắm biển thuộc thẩm quyền của tổng cục. Việc đặt biển cấm sẽ do các Cục Quản lý Đường bộ phối hợp với các nhà đầu tư BOT phối hợp thực hiện.
Trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp tê liệt vì bị tài xế phản đối Ảnh: CÔNG TUẤN
Trả lời câu hỏi về việc đặt biển "Cấm dừng xe quá 5 phút" nhằm mục đích chống ùn tắc hay chống người dân dừng xe phản đối thu phí của các trạm BOT, ông Lăng cho rằng người dân lưu thông bình thường, có thể tạm dừng mấy phút để trả phí, thì không sao. Tuy nhiên, nếu ai cố tình dừng đỗ để cản trở giao thông thì lực lượng chức năng sẽ yêu cầu ra ngoài.
"Việc đặt biển cấm cũng để người dân tham gia giao thông dễ nhận biết về quy định hơn, đồng thời có biển cấm thì cũng giúp lực lượng chức năng cưỡng chế vi phạm dễ dàng, thuận lợi, đỡ phải giải thích nhiều" - ông Lăng nói.
Bình luận về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết tất cả giải pháp nhằm chống ùn tắc giao thông đều cần thiết và phải thực thi và ông đồng tình với việc cắm biển này.
"Không thể đi thuyết phục từng người một, do đó để phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông tại các trạm BOT trong bối cảnh hiện nay, một mặt Chính phủ và Bộ GTVT phải tích cực giải quyết những nguyện vọng của người dân, đồng thời vẫn phải có biện pháp phân luồng bảo đảm giao thông được thông suốt, nếu không sẽ gây thiệt hại rất lớn cho xã hội" - ông Liên nhận định.
Chỉ là giải pháp tình thế
Trước giải pháp của Tổng cục Đường bộ, ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Phú Yên, nói thẳng: "Qua trạm càng nhanh càng tốt, tiến tới qua trạm không dừng kia mà. Sao có chuyện dừng 5 phút, 3 phút ở đó được. Chẳng qua bí mới nói vậy chứ không phải là giải pháp".
Tại Phú Yên, nhiều tài xế cũng phản đối trạm BOT Bàn Thạch. Bộ GTVT đã thống nhất đổi tên Trạm thu phí Bàn Thạch thành Trạm thu phí An Dân (đặt tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) nhằm tránh hiểu nhầm, dẫn đến phản đổi, gây ách tắc như trong thời gian qua. Theo ông Trí, Bộ GTVT đã chấp thuận miễn phí cho toàn bộ xe công vụ của huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu, xe phục vụ công cộng như xe buýt, xe vệ sinh và tất cả xe loại 1 (xe khách 12 chỗ trở xuống, xe tải 2 tấn trở xuống) trên địa bàn xã An Dân khi qua trạm. "Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục rà soát và kiến nghị Bộ GTVT để tiếp tục miễn, giảm cho một số phương tiện trong khu vực" - ông Trí nói.
Tuy nhiên, theo ông Trí, việc miễn giảm phí chỉ là giải pháp tình thế trong tình hình nóng lên ở các trạm thu phí. Về lâu dài, cần có một giải pháp căn cơ. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT kiểm tra, rà soát toàn bộ để đề xuất, nhưng hiện Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào. Tạm thời, chỉ cho phép thực hiện BOT trên các tuyến đường làm mới hoàn toàn, không thực hiện BOT trên tuyến đường cũ nâng cấp.
Trong khi đó, những ngày qua, điệp khúc ùn tắc, đóng - xả trạm BOT Sông Phan (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) liên tục xảy ra, không chỉ gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an ninh địa phương mà còn khiến đời sống của người dân sinh sống gần các trạm thu phí bị đảo lộn, không ít doanh nghiệp bị thiệt hại nặng vì hàng hóa vận chuyển vào Nam bị ách tắc tại trạm này.
Chờ giảm phí qua trạm BOT Điện Bàn
Ông Hồ Anh Sơn, Giám đốc Trạm thu phí BOT Điện Bàn (xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cho biết vẫn đang chờ văn bản hồi đáp của Tổng cục Đường bộ liên quan đến việc miễn, giảm giá vé qua trạm BOT này. Trước đó, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương miễn, giảm giá vé qua trạm thu phí Điện Bàn cho khoảng 1.800 xe buýt, xe công và ô tô của người dân có hộ khẩu ở thị xã Điện Bàn.
Tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Quảng Nam có 2 trạm thu phí chỉ cách nhau 53 km, không đúng với quy định tối thiểu là 70 km của Bộ GTVT. Tháng 11-2017, Bộ GTVT cũng đã có văn bản thống nhất việc miễn, giảm phí đối với người dân sống quanh trạm thu phí Tam Kỳ. Theo đó, từ ngày 1-1 có khoảng 4.500 phương tiện được miễn, giảm phí qua trạm này. Mới đây, ngày 3-1, có tài xế ô tô đã dừng tại trạm BOT Tam Kỳ hơn 40 phút để phản ứng về khoảng cách không đúng quy định giữa 2 trạm.T.Thường
Cam kết một đằng, thu phí một nẻo
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh đã và sẽ tiếp tục gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ về việc giảm giá vé qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định (tại thị xã An Nhơn) từ 35.000 đồng còn 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện thuộc nhóm loại 1 như trong biên bản làm việc đã ký trước đó.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, xác nhận chính ông đã đại diện cơ quan ký văn bản giảm giá trên với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và nhà đầu tư. "Nếu giảm từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện thuộc nhóm loại 1 như thỏa thuận trước đó, thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến là 30 năm 11 tháng. Trong khi đó, thời gian hoàn vốn theo quy định tại hợp đồng là 22 năm 5 tháng. Bởi vậy, thời gian thu giá hoàn vốn của dự án theo mức giá trên sẽ không bảo đảm an toàn cho tính khả thi của dự án. Do vậy, Tổng cục Đường bộ đã thống nhất với nhà đầu tư áp dụng mức giá giảm từ 35.000 đồng xuống 30.000 đồng/lượt đối với các phương tiện thuộc nhóm loại 1" - ông Cường giải thích.A.Tú
Bình luận (0)