Trong 2 ngày 4 và 5-1, nhiều tài xế khi qua trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp trên Quốc lộ 1 đã phản ứng bằng cách không mua vé và tắt máy không chịu di chuyển, dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài. Đích thân Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đã 2 lần xuống hiện trường và yêu cầu chủ đầu tư xả trạm. Trước đó vài ngày, tại trạm BOT Bắc Bình (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Phải xóa trạm BOT bất hợp lý
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng câu chuyện BOT căng thẳng và nóng hơn trên cả nước kể từ khi xảy ra bất ổn ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đến nay. "Sau sự việc ở BOT Cai Lậy, tình trạng bất ổn đã lan sang nhiều trạm BOT ở các tỉnh, thành khác trên cả nước với nhiều mức độ khác nhau. Do đó Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và chính quyền các địa phương phải xem xét lại vấn đề một cách nghiêm túc" - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, không thể phủ nhận lợi ích lớn lao mà các dự án BOT đem lại. Không phải dự án BOT nào cũng bị người dân phản ứng, bởi có những dự án đem lại hiệu quả tích cực. Nhưng khi những khúc mắc, bất cập ở BOT Cai Lậy không được giải quyết dứt điểm dẫn đến hiệu ứng dây chuyền lan sang nhiều trạm BOT khác vì cho là trạm thu phí đặt nhầm chỗ. Điều cốt lõi là phải giải quyết rốt ráo vụ việc. Nếu trạm BOT đặt nhầm chỗ thì phải xem xét lại vị trí đặt trạm. Còn nếu trạm BOT đó đặt đúng vị trí theo quy định của pháp luật thì nếu ai có hành vi gây rối, cản trở, ách tắc giao thông cần phải cương quyết xử lý nghiêm.
"Nhiều trạm BOT đã được giảm giá nhưng tại sao một số tài xế vẫn không chịu và phản ứng? Bởi họ cho rằng bản chất của vấn đề là trạm thu phí đó đặt nhầm chỗ, chứ không phải câu chuyện mức phí cao hay thấp" - ông Hòa chia sẻ và cho rằng trạm BOT nào đặt nhầm chỗ thì phải thay đổi vị trí chứ không thể giải quyết bằng việc giảm giá.
Cũng theo ông Hòa, vấn đề không phải cứ ùn tắc lại cho xả trạm. Đây chỉ là giải pháp tình thế chứ không giải quyết được cốt lõi của vấn đề. Do đó, Bộ GTVT phải xem xét giải quyết dứt điểm không chỉ câu chuyện ở trạm thu phí BOT Cai Lậy mà phải là tất cả những bất cập ở các trạm thu phí trên toàn quốc. "Ngoài việc dời trạm BOT về đúng vị trí thì một giải pháp nữa là phải minh bạch trong thu phí cho dân biết. Dự án đó được thu trong 5 năm, 10 năm hay bao lâu phải công khai. Giảm giá vé nhưng tăng thời gian thu phí thì đâu có khác gì nhau" - ông Hòa phân tích.
Tài xế dừng xe phản đối trạm BOT Cần Thơ - Phụng HiệpẢnh: CA LINH
Chờ Bộ Giao thông Vận tải
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng cần phải nhanh chóng xóa bỏ trạm thu phí T2 Cần Thơ - An Giang trên Quốc lộ 91. "Quan điểm của tôi rất rõ ràng và cực lực phản đối việc đặt trạm thu phí này" - ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh khẳng định vị trí đặt trạm thu phí T2 như hiện nay là rất bất hợp lý. Nhà đầu tư đã cố tình đặt thêm trạm thu phí T2 để tận thu, gây bức xúc. "Người dân lưu thông từ An Giang lên Cần Thơ chỉ đi vài trăm mét Quốc lộ 91 nhưng phải trả phí cho toàn tuyến là không thể chấp nhận được" - ông Thanh nêu quan điểm. Trả lời về phản ứng của Bộ GTVT như thế nào trước kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Thanh cho biết: "Bộ GTVT vẫn cứ hứa. Ngay cả Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng bảo đang nghiêm túc xem xét".
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết tình trạng ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là dịp cận Tết nguyên đán, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa. Việc này cần phải có chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các chủ đầu tư BOT.
Cần Thơ: Đã báo cáo Bộ GTVT
Những ngày qua, khi tài xế dừng xe phản đối trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp trên Quốc lộ 1, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã 2 lần xuống hiện trường và yêu cầu chủ đầu tư xả trạm. Ông Thống yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp chủ động xử lý mọi tình huống để bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự, chống ùn tắc giao thông trong khu vực trạm thu phí. Từ nay đến thời điểm giải quyết dứt điểm việc miễn - giảm phí, khi xảy ra những tình huống tương tự phải xả trạm. Đặc biệt, nếu có trường hợp quậy phá gây mất an ninh trật tự, phải ghi lại hình ảnh cung cấp cho cơ quan chức năng làm cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.
Trước lo ngại trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp và BOT T1, BOT T2 sẽ tiếp tục "vỡ trận" trong thời gian tới, đặc biệt là những ngày giáp Tết, ông Thống cho rằng về chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến BOT thì UBND TP Cần Thơ đã báo cáo với Bộ GTVT. Về phía TP chỉ có trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Những phản ánh, bức xúc hợp lý của người dân thì TP cũng đã tiếp thu và phản ánh lên Bộ GTVT.
"Chúng tôi muốn Bộ GTVT giải quyết kịp thời phản ánh của người dân, đồng thời cũng muốn người dân hết sức bình tĩnh, đừng tham gia phản ứng quá mức như những ngày qua. Khi các ngành chức năng đã giải quyết đúng theo quy định pháp luật rồi mà còn trường hợp gây rối làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong dịp Tết sắp tới thì TP sẽ căn cứ theo pháp luật mà xử lý" - ông Thống kiên quyết.
Đồng Nai: Đường hư hỏng, đề nghị dừng thu phí
Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Cục Quản lý đường bộ IV, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng số 1, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (DNC)... yêu cầu chỉ đạo chủ đầu tư nhanh chóng duy tu, sửa chữa, khắc phục hư hỏng tại nút giao ngã tư Vũng Tàu, cầu An Hảo.
Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho rằng trong thời gian qua từ khi dự án cầu Đồng Nai đưa vào hoạt động (cuối năm 2009), việc duy tu, bảo dưỡng mặt đường, sửa chữa các khuyết tật, vị trí hư hỏng thuộc phạm vi dự án, đặc biệt là khu vực nút giao thông ngã tư Vũng Tàu rất chậm trễ dẫn đến mất ATGT. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực này. Tình trạng nêu trên cho thấy sự coi thường yêu cầu chính đáng về ATGT của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cũng như coi thường tính mạng người tham gia giao thông của chủ đầu tư BOT, đơn vị quản lý dự án. Ban ATGT tỉnh Đồng Nai kiến nghị Tổng cục Đường bộ chỉ đạo dừng việc thu phí tại Trạm thu phí ngã tư Vũng Tàu cho đến khi nhà đầu tư thực hiện khắc phục xong những tồn tại nêu trên.
Bình Thuận: Lực lượng công an đã sẵn sàng
Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết những ngày qua, trạm BOT Bắc Bình, huyện Bắc Bình không xảy ra tình trạng ách tắc do tài xế gây rối. Tuy nhiên, tỉnh đã triển khai nhiều phương án đề phòng những tình huống tương tự như trạm BOT Sông Phan. Hầu hết những người gây rối là tài xế, chủ phương tiện ở địa phương. Họ lôi kéo rất nhiều người, gây mất trật tự khu vực quanh trạm, dẫn đến ách tắc giao thông. Chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không nghe lời xúi giục của những đối tượng xấu.
Đối với việc tài xế cố tình dừng xe tại trạm, ông Nam khẳng định hiện công an tỉnh đã có nhiều phương án để xử lý như vận động tài xế tuân thủ pháp luật, dùng xe chuyên dụng kéo xe gây rối qua khỏi trạm, tăng cường cảnh sát phân luồng giao thông… "Thậm chí, lực lượng chức năng có thể áp dụng các biện pháp thích hợp, tùy theo mức độ vi phạm của tài xế, chủ phương tiện" - ông Nam nói. Từ 0 giờ ngày 16-1, 2 trạm BOT ở Bình Thuận áp dụng giảm giá cho xe địa phương trong phạm vi bán kính 5 km quanh trạm theo danh sách đã được Bộ GTVT duyệt.
C.Tuấn - C.Linh - X.Hoàng - L.Trường
Bình luận (0)