Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội có những chuyển biến đáng chú ý. Theo đó, các vi phạm về nồng độ cồn, xe tải chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, đi vào đường cấm, đi ngược chiều… đã giảm. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề cần có sự chuyển biến nhanh hơn, mạnh hơn nữa trên địa bàn thủ đô - một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch.
Do đó, giữa tháng 8 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã đưa vào hoạt động trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội" và đường dây nóng 0243.942.4451 để tiếp nhận phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Công an TP Hà Nội cho biết lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: Ô tô chở quá số người quy định; xe tải chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; ô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc... Cùng với việc đề nghị mọi người có ý thức và trách nhiệm chấp hành pháp luật, Công an TP Hà Nội còn "đặt hàng" người dân chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, các vi phạm là nguyên nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Cơ quan chức năng cam kết tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết mọi thông tin phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đúng quy định pháp luật, xử lý đúng hành vi vi phạm. Cơ quan chức năng cũng khẳng định người dân được bảo đảm bí mật về danh tính khi cung cấp thông tin.
Ngay sau khi đưa vào hoạt động trang Zalo và đường dây nóng, Công an TP Hà Nội đã nhận được ngày càng nhiều thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông từ người dân. Sau 2 tuần đầu tiên, trang Zalo Phòng CSGT Hà Nội đã nhận được 1.749 lượt tương tác, 2.450 người quan tâm, 3.408 người xem và theo dõi; nhận được 380 tin phản ánh vi phạm, trong đó có 53 tin đủ điều kiện xác minh… và đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Kết quả ban đầu tích cực nêu trên trước hết giúp góp phần khơi dậy tinh thần, ý thức tự giác chấp hành luật pháp về giao thông của mỗi người dân. Cùng với đó, khích lệ mỗi người với chiếc điện thoại thông minh trên tay lúc nào cũng có thể trở thành "tai mắt" của lực lượng chức năng, trong đó có CSGT; thông tin, phản ánh kịp thời các vi phạm về trật tự an toàn giao thông nói riêng, vi phạm về an ninh trật tự nói chung.
Công an TP Hà Nội kỳ vọng việc lan tỏa, nhân rộng thứ camera đặc biệt này - tai mắt của người dân để phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm giao thông - sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn trên địa bàn thủ đô.
Bình luận (0)