Sáng 26-2, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa chủ tịch UBND TP với chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2021. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chia sẻ đây là hoạt động thường niên nhằm lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề thuộc thẩm quyền UBND TP, chủ tịch UBND TP trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương. "Đây còn là dịp lắng nghe những giải pháp, hiến kế từ cơ sở, phục vụ cho sự phát triển TP" - ông Nguyễn Thành Phong nói.
Kiến nghị mở "sàn giao dịch công chức"
Sau lời gợi mở của Chủ tịch UBND TP, các chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã mạnh dạn đề cập câu chuyện cơ sở việc nhiều nhưng cán bộ lại giảm gây áp lực rất lớn cho cán bộ, công chức. Bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh (Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) cho biết phường đang rất thiếu nhân sự. Điển hình như lực lượng quản lý trật tự đô thị. Bà Hạnh cho biết theo nghị quyết của HĐND TP, mỗi phường quận 1 có một công chức và 5 cộng tác viên nên phải "gồng mình" trước rất nhiều sự kiện lớn. Từ thực tế trên, bà Hạnh cho rằng cần tính toán là địa bàn trung tâm, đông dân để phân bổ lực lượng này cho hợp lý.
Cũng liên quan đến lực lượng trật tự đô thị, ông Nguyễn Văn Quang (Chủ tịch UBND phường 2, quận Bình Thạnh) nói từ năm 2017 đến nay, phường chỉ được phân công 2 người, vừa mỏng vừa yếu. Áp lực công việc lại lớn, trong khi mức lương chỉ gần 3 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch UBND phường 2 đề xuất TP cần có chính sách phù hợp về chức danh, thu nhập và tập huấn cho lực lượng này.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) trao bằng khen cho 24 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong năm 2020
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngân (Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cho biết phường đang chịu áp lực về dân số rất lớn với hơn 122.000 dân. Thực hiện sắp xếp theo Nghị định 34 của Chính phủ và Nghị quyết 06 của HĐND TP, phường đã giải quyết dôi dư 28 cán bộ không chuyên trách. Nhưng sau khi sắp xếp theo quy định, phường gặp khó khăn khi tính ra mỗi cán bộ phải phục vụ trung trình 3.500 người dân. Chỉ riêng bộ phận tiếp nhận hồ sơ một cửa đã là 4 người, còn lại 7 người thực hiện công tác chuyên môn. "Khi hoạch định chính sách cần lưu ý về dân số, số cán bộ, công chức phường, xã để có sự phân bổ phù hợp" - ông Ngân kiến nghị.
Đồng tình, bà Phan Thị Mỹ Khuyên (Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) nói đối với những phường, xã đông dân, cứ vượt quá 15.000 dân so với quy định chung thì cần tăng thêm 1 công chức để bảo đảm giải quyết công việc của dân, doanh nghiệp. Ông Phan Đình An (Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp) kiến nghị TP có thể lập một "sàn giao dịch công chức", để điều phối tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Phải xác định đó là nhiệm vụ
Sau hơn 3 giờ lắng nghe, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định đã ghi nhận tất cả ý kiến. Ông giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND TP và các sở, ngành liên quan, khẩn trương giải quyết và trả lời cho từng phường, xã, thị trấn trước ngày 15-3.
Chủ tịch UBND TP cho biết tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong năm 2021 - "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư", cần ý thức xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng bắt đầu từ chính địa phương mình; các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp phải có quy trình, thời hạn xử lý và có thư xin lỗi nếu trễ hạn. Đặc biệt, từng phường, xã, thị trấn phải quyết tâm triển khai đạt hiệu quả thật sự công tác cải cách hành chính.
Nói về việc thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức đặt ra thách thức là số lượng cán bộ dôi dư nhiều, Chủ tịch UBND TP đề nghị chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện việc sắp xếp một cách phù hợp nhất nhằm bảo đảm quyền lợi cho mọi trường hợp. "Để làm được điều này, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết, duy trì tiếp công dân định kỳ để đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân. Kịp thời giải quyết các bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, đồng thời xa hơn là chủ động tìm hiểu khó khăn của dân theo hướng "cán bộ tìm dân, không để dân tìm cán bộ", đây chính là chìa khóa để phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương" - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TP, nền tảng ổn định để địa phương phát triển là các kiến nghị của người dân phải được giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý. Ông mong muốn chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn dù tất bật với công việc nhưng phải giải quyết nhanh chóng những vấn đề bức xúc tại địa phương, nhất là lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng sai phép, không phép, ô nhiễm môi trường, khiếu nại, khiếu kiện… Đồng thời tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách, phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Từng địa phương phát triển thì TP mới phát triển. Từ nhiệm kỳ 2021-2026, TP sẽ không còn HĐND quận, phường, Chủ tịch UBND TP nói trách nhiệm của chủ tịch UBND phường sẽ nặng nề hơn. Ông hy vọng chủ tịch UBND phường không xem đó là khó khăn, mà xem đó là nhiệm vụ để nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, năm 2021 phải đạt được những kết quả tốt hơn năm 2020.
Khen thưởng 24 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn
Tại hội nghị, UBND TP HCM đã khen thưởng 24 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong năm 2020.
Ông Nguyễn Thành Phong nói TP đang từng bước chuyển mình trở thành đô thị thông minh và mong muốn đem đến cho người dân, doanh nghiệp những tiện ích mới ngay từ tuyến cơ sở. Hơn bao giờ hết, những chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn sẽ là nhân tố quan trọng để cùng với TP thực hiện điều đó, góp phần xây dựng TP trở thành đô thị sáng tạo, TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Cần phần mềm đo độ ồn để trị karaoke tự phát
Vấn nạn karaoke tự phát làm khổ người dân được Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp Nguyễn Đình An gửi lên Chủ tịch UBND TP. Ông An cho biết phường đang gặp khó khăn khi xử lý vấn đề hát karaoke gây tiếng ồn tại các khu dân cư. Theo ông An, hiện nay đã có đầy đủ các biện pháp chế tài nhưng khả năng thực thi là không có, cán bộ phường không thể đo tiếng ồn để có cơ sở xử lý. Ông An kiến nghị TP đưa vào sử dụng một phần mềm đo tiếng ồn, cán bộ chỉ cần cài đặt phần mềm này là có thể xử lý được.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực cho biết trong thời gian tới ngành môi trường sẽ rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan để lập một tổ liên ngành gồm lực lượng công an, sở, ngành và địa phương để đi xử phạt.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói quy định pháp luật rất cụ thể nhưng việc áp dụng pháp luật, phân định trách nhiệm các đơn vị, sở - ngành còn nhiều vướng mắc. "Tôi khẳng định cơ quan chủ đạo xử lý vấn đề này là Sở Tài nguyên và Môi trường" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh và nói để thực thi đúng trách nhiệm, Sở Tài nguyên và Môi trường cần rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan đến văn hóa, môi trường, an ninh trật tự... Từ đó cập nhật cẩm nang hướng dẫn cho cơ sở.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành và địa phương quyết liệt xử lý tình trạng karaoke tự phát gây khổ cho người dân. Chủ tịch UBND TP cho biết ông thường xuyên nhận được tin nhắn của người dân, phản ánh về tiếng ồn từ các "hung thần" karaoke tự phát, nhất là từ 22 giờ. "Người dân đi làm cả ngày, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này; phải thấy đây là vấn đề nhức nhối, chứ không phải là chuyện bình thường" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Bình luận (0)