Sáng 23-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Cân nhắc tác hại rượu, bia với trẻ em
Đại biểu (ĐB) Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) bày tỏ thất vọng khi dự thảo này không còn quy định cấm bán rượu, bia trên 15% độ cồn trên internet. "Cần tạo ra rào cản mạnh mẽ và phù hợp với xu hướng, không nên tạo cơ hội, tăng tính sẵn có của rượu, bia cho người tiêu dùng và trẻ em vị thành niên, phụ nữ" - ĐB Hiền góp ý.
ĐB Hiền còn cho rằng luật phải có sự minh định và tính đến yếu tố khả thi khi áp dụng, không thể thiếu tính mạch lạc, nhất là các điều khoản ảnh hưởng trực tiếp đối với đối tượng trẻ em và vị thành niên. "Cái được và mất của nền công nghiệp rượu bia hẳn ai cũng rõ. Hãy đề cao trách nhiệm mà không bỏ quên trẻ em, thanh, thiếu niên, những nạn nhân yếu thế bởi tác hại của rượu, bia khi bấm nút thông qua. Chẳng có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi về tính mạng, sức khỏe, mạng sống, tương lai của con người" - ĐB Hiền nhấn mạnh.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng bày tỏ thất vọng khi nói dự thảo cố đưa ra các chế định theo kiểu phòng, chống, trong khi những quy định như cấm bán bia rượu từ 15 độ cồn trở lên trên internet bị đẩy ra khỏi dự luật. Điều này chẳng khác nào "vẽ đường cho hươu chạy", sẽ làm cho tình trạng bán rượu, bia qua mạng khó kiểm soát hơn. Đặc biệt, sẽ góp phần làm trẻ hóa đối tượng sử dụng rượu, bia.
ĐB Nhân cho rằng dự luật lần này chưa hoàn chỉnh về tư duy và trách nhiệm, trong sứ mệnh chăm lo sức khỏe nhân dân.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân không đồng tình với việc bỏ quy định cấm bán bia, rượu từ 15 độ cồn trở lên trên internetẢnh: VĂN DUẨN
Còn nhiều tranh luận
Từ lâu, Việt Nam nổi danh là... "cường quốc" tiêu thụ rượu, bia. Các vụ tai nạn giao thông do người lái xe trong lúc say xỉn gây ra liên tiếp trong thời gian qua cũng vì thói quen uống rượu, bia mọi lúc mọi nơi. Để giảm sử dụng rượu, bia cũng như các tác hại mà nó gây ra, ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, kiến nghị bổ sung một điều quy định tăng mức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
Ngoài ra, ĐB Phương cũng đề nghị nâng mức xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể, khoản 1 điều 28 của dự luật cần bổ sung hình thức xử phạt, kỷ luật theo hướng tăng nặng. Trong đó, đối với mức xử phạt hành chính khi uống rượu, bia gây tai nạn giao thông hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa tới mức truy tố thì tịch thu bằng lái xe từ 1-5 năm hoặc tịch thu vĩnh viễn; phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho biết cá nhân bà ủng hộ bản dự thảo này, vì dự thảo đã căn cứ vào thực tiễn để có điều chỉnh và cốt lõi là phải thay đổi văn hóa chứ không phải bóp nghẹt sản xuất chính thống. ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) thì bày tỏ không đồng tình với nhiều ĐB trước đó, bởi có cảm giác như các ĐB phát biểu coi ngành sản xuất rượu, bia như một tội đồ và "có gì đấy không công bằng". "Hàng trăm ngàn lao động đang kiếm sống hằng ngày, rồi đóng góp cho ngân sách nhà nước. Chúng ta phải xem xét cả hai mặt" - ĐB Xuyền phản biện.
Nếu luật thông qua, sẽ hết... xem bóng đá
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã nói như vậy khi góp ý về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. "Chúng ta cần hết sức tỉnh táo để có cách đặt vấn đề đúng đắn, hiệu quả, có lộ trình. Nếu chúng ta thông qua luật này thì việc đầu tiên là... thôi xem bóng đá, vì Heineken tài trợ cho bóng đá Ngoại hạng Anh và bóng đá thế giới..." - ông Quốc bày tỏ.
Theo đánh giá của ĐB Dương Trung Quốc, bản báo cáo trình QH về dự án luật này là của Chính phủ nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là nó hơi cực đoan.
Băn khoăn việc trao quyền cho kiểm toán viên
Chiều cùng ngày, tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu băn khoăn về quy định trao quyền truy cập dữ liệu của kiểm toán viên. Theo ông Cường, cần cân nhắc tình huống truy cập của kiểm toán có thể tác động làm thay đổi dữ liệu bởi như trong các vụ gian lân thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, chỉ trong 10 giây là đã có thể thay đổi dữ liệu điểm thi. Do đó, chỉ nên quy định "kiểm toán được quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán truy cập và truy xuất thông tin".
Đồng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức (TP HCM), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, cũng cho rằng theo tinh thần của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, kiểm toán viên hoàn toàn không có quyền. Nếu cho phép kiểm toán viên được truy cập vào cơ sở dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, dữ liệu quốc gia thì đã vượt quyền của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức đề nghị ban soạn thảo xem lại quy định này.
V.Duẩn - N.Dung
Bình luận (0)