* Phóng viên: Thưa giáo sư! Hội nghị Trung ương 9 khóa XII dự kiến khai mạc vào ngày 25-12 sẽ bàn nhiều vấn đề quan trọng về quy hoạch cán bộ. Từ trước đến nay, công tác cán bộ cấp cao luôn được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đúng quy trình nhưng vì sao vẫn để lọt những cá nhân không đủ năng lực, phẩm chất?
- GS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hiếm có nhiệm kỳ nào như khóa XII này khi chúng ta phải xử lý hàng loạt cán bộ, cả đương chức và nghỉ hưu, thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị. Đây là bài học đắt giá để chúng ta phải xem xét lại công tác cán bộ gắn với công tác tổ chức, trong đó có 2 khâu quan trọng là quy hoạch và quy trình. Về lý thuyết, quy hoạch và quy trình là cần thiết để chủ động chuẩn bị và đào tạo cán bộ kế cận nhưng thực tế thì lại bị biến tướng.
Khi xảy ra các vụ "lùm xùm" về công tác cán bộ thì các giải trình sau đó đều khẳng định là "đúng quy trình". Điều này cho thấy quy trình đã bị hình thức hóa, xấu hơn là bị vô hiệu hóa, thậm chí là vô hiệu hóa cả tập thể lãnh đạo. Người đứng đầu một cấp ủy Đảng, một cơ quan nhà nước đã không dân chủ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn người đứng đầu để đưa người nhà, người không đủ phẩm chất, năng lực vào bộ máy.
* Hội nghị lần này sẽ bàn về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Theo ông, công tác cán bộ phải rút ra bài học gì để tránh những sai sót như thời gian qua?
- Bài học quy hoạch, quy trình về công tác cán bộ như vừa qua là phải chú trọng khắc phục. Tôi cho rằng phải quy trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó là sức mạnh của thông tin. Mọi thông tin về những người nằm trong quy hoạch nhân sự phải được công khai. Người làm công tác nhân sự phải chú ý lắng nghe đánh giá của dư luận như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "dựa vào dân mà xây dựng Đảng".
Để chuẩn bị cho nguồn nhân sự cấp cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rất rõ khi khẳng định không để những người không đủ phẩm chất và năng lực tham gia vào bộ máy. Nói cụ thể hơn là không để những kẻ bất minh, bất chính, cơ hội vào trung ương, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân. Cuối cùng là cần xóa bỏ tâm lý cả nể, "dĩ hòa vi quý", xóa bỏ những liên minh ngầm về lợi ích, thỏa hiệp để thực hiện động cơ xấu trong công tác cán bộ.
GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh mỗi cán bộ khi bỏ phiếu cần ý thức được trọng trách, vị trí của mình trong bộ máyẢnh: MINH CHIẾN
* Theo dự kiến, hội nghị sẽ lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Ông đánh giá gì về việc này?
- Theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm tới đây sẽ có rất nhiều ý nghĩa, thực hiện trách nhiệm nêu gương. Đây cũng là dịp để cán bộ cấp cao tự đánh giá, tự nhận xét, tự xem xét mình trong từng lá phiếu. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội triển khai nhưng đây là lần đầu tiên Đảng thực hiện. Việc này sẽ thúc đẩy sinh hoạt dân chủ, làm cho mỗi cán bộ đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy được mặt tích cực và tìm ra khuyết điểm để khắc phục.
Việc lấy phiếu tín nhiệm này được nhân dân rất quan tâm, củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Tôi đánh giá đây là tinh thần đổi mới và Đảng phải tiên phong trong việc này.
* Nhiều ý kiến lo ngại việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn còn hình thức, kết quả lấy phiếu khác xa với đánh giá cán bộ của người dân, xã hội. Ông thấy thế nào?
- Có thực tế ở những cuộc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, tỉ lệ phiếu tín nhiệm luôn ở mức khá trong khi đánh giá của người dân, xã hội lại rất thấp. Để điều này không xảy ra tại hội nghị tới đây thì Đảng phải nghiêm khắc hơn khi lấy phiếu tín nhiệm. Ngoài ra, phải tôn trọng dư luận xã hội, lắng nghe tiếng nói của người dân để có đánh giá thực chất hơn về cán bộ.
Một yếu tố tối quan trọng đó là tinh thần trách nhiệm của từng Ủy viên Trung ương. Họ phải có thái độ khách quan, khoa học, khắc phục tình trạng hình thức. Nếu việc bỏ phiếu đó bảo đảm khách quan, trung thực thì tác dụng sẽ rất tích cực. Trên thực tế, tâm lý nể nang ít nhiều sẽ tác động đến việc bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là vấn đề về tư duy, về ứng xử giữa người với người và chúng ta phải đối mặt và khắc phục. Mỗi người khi cầm lá phiếu trên tay phải làm sao cho lá phiếu đó khách quan nhất và thấu tình đạt lý nhất. Mỗi cán bộ khi bỏ phiếu cần ý thức được trọng trách, vị trí của mình trong bộ máy.
Không có gì tốt hơn là công khai
GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: "Việc trung ương bỏ phiếu tín nhiệm đánh giá Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là điều cần thiết, tuy nhiên, việc công khai như thế nào là cả một câu chuyện. Về tinh thần dân chủ là phải công khai, minh bạch và không có gì tốt hơn là sự công khai. Nên coi đây là một sinh hoạt chính trị bình thường, vượt qua các rào cản hay lo lắng sợ mất uy tín. Nếu việc lấy phiếu tín nhiệm và kết quả lấy phiếu chỉ thông báo nội bộ thì sẽ không thuận với ý kiến của đảng viên nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung. Về phương pháp thực hiện, trung ương cần đưa ra các chỉ số, căn cứ làm cơ sở cho việc đánh giá, giảm tối đa yếu tố cảm tính, tăng yếu tố khách quan để không bị ảnh hưởng bởi tâm lý khi điền vào phiếu. Việc lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi từ cả hai phía. Phía tập thể là những người đánh giá phải có trách nhiệm, những người được đánh giá phải xem xét lại chính mình".
Bình luận (0)