Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về kết luận của UBKT trung ương đối với sai phạm của ông Phạm Thế Dũng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai), ông Phạm Đình Thu - nguyên Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai - nói kết luận này là chính xác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà dư luận đòi hỏi cần làm rõ.
Đó là việc mua sắm, sử dụng thiết bị giáo dục trường học hiện đại gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng; vấn đề cho mua gỗ để mất hàng chục tỉ đồng; mua thiết bị y tế chênh lệch giá quá cao. "Và còn rất nhiều vấn đề khác nữa. Ông Thu còn đặt nghi vấn về "sân sau" của công ty cung ứng thiết bị giáo dục cho toàn bộ tỉnh Gia Lai.
Ông Thu cũng cho rằng ông Dũng phải chịu trách nhiệm trong việc chuyển đổi 50.000 ha rừng tự nhiên sang trồng cao su ở tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, ông Thu ước tính số tiền bị thất thoát do việc đấu thầu đất, đấu thầu xây dựng, đấu thầu mua sắm trong 2 nhiệm kỳ ông Dũng làm Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khiến cho tỉnh này mất trên chục ngàn tỉ đồng. "Khi tổng hợp sẽ thấy con số khủng khiếp đó. Như vừa rồi, TP Pleiku chỉ bán đấu giá 30 lô đất cũng thu được hàng trăm tỉ đồng rồi. Còn đất trước đây ổng bán cho các nhà đầu tư hoặc là không lấy tiền hoặc bán với giá rẻ mạt là nó gấp hàng ngàn lần" - ông Thu gay gắt.
* Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh sai phạm, ông Thu đề nghị cơ quan chức năng phải vào cuộc, thu hồi lại đất giao không đúng quy định.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thế Dũng cho biết đã nắm được nội dung kết luận của UBKT trung ương. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về những nội dung trong kết luận. "Có vấn đề gì thì nhà báo tự tìm hiểu, tôi là người trong cuộc nói nhiều cũng không hay" - ông Dũng nói.
* Liên quan đến những sai phạm của ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, mà UBKT trung ương đã kết luận và đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật, luật sư Trần Thị Ánh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư
TP HCM), cho biết có nguồn tin ông Nguyễn Phong Quang và 2 cán bộ của ban này đã tự nguyện nộp lại nhiều tỉ đồng để khắc phục sai phạm.
Trả lời câu hỏi nếu ông Quang và những người này đã khắc phục hậu quả thì liệu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, luật sư Ánh nói vấn đề này còn tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm và các yếu tố cấu thành tội phạm, từ đó mới có thể xác định họ có được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 29 Bộ Luật Hình sự năm 2015 hay không.
Theo phân tích của luật sư Ánh, miễn trách nhiệm hình sự là một trong những chế định phản ánh rõ nét nhất nguyên tắc nhân đạo của chính sách hình sự nói chung và pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng. Và chỉ có thể được đặt ra đối với người nào là chủ thể của chính tội phạm ấy, đồng thời phải đáp ứng đầy đủ căn cứ pháp lý và những điều kiện trong từng trường hợp mà pháp luật hình sự hiện hành quy định, cũng như tùy thuộc vào từng trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đó là tùy nghi (lựa chọn) hay bắt buộc. Bởi lẽ, ngay cả trường hợp khi có đầy đủ căn cứ pháp lý và những điều kiện quy định trong điều luật nhưng nếu trường hợp đó là tùy nghi thì việc có áp dụng hay không áp dụng miễn trách nhiệm hình sự đều do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Bình luận (0)