Ngày 3-11, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đã thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ký Văn bản số 1769/TLĐ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH về việc "Xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ của Luật BHXH 2014 (sửa đổi)". Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cũng cho biết bộ này đã có tờ trình Chính phủ để xem xét trình QH tạm thời chưa thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH 2014 (sửa đổi) về quy định mức lương hưu hằng tháng.
Quyền lợi NLĐ bị ảnh hưởng
Theo quy định tại điều 60 Luật BHXH 2014 (sửa đổi) được QH thông qua vào ngày 20-11-2014, người lao động (NLĐ) không được nhận BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH. Quy định này sau đó đã gây bức xúc trong đông đảo NLĐ vì quyền lợi của họ bị hạn chế. Chỉ sau đó khoảng 7 tháng, QH thông qua Nghị quyết về việc sửa quy định tại điều 60 của luật này, theo hướng cho NLĐ được nhận BHXH một lần.
Trước khi QH thông qua nghị quyết nói trên, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ "cảm thấy xấu hổ và có lỗi" khi bấm nút thông qua luật này (trong đó có điều 60). Chính những bất cập của điều 60 không cho NLĐ có quyền lựa chọn, đã khiến công nhân nhiều nơi phản đối dữ dội và ngừng việc để bày tỏ.
Tại kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV đang diễn ra, chuyện cô giáo dạy mầm non Trương Thị Lan (tỉnh Hà Tĩnh) sau 37 năm công tác, nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đã khiến dư luận dấy lên câu hỏi "tại sao lại có sự bất hợp lý như vậy?".
Không những thế, điều 56 và 74 Luật BHXH 2014 (sửa đổi) quy định về mức lương hưu hằng tháng cũng đã được dư luận nêu ra những bất cập trước khi có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2018, đặc biệt là với lao động nữ.
Nếu chiếu theo quy định của điều 56 và 74, không ít lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH, nếu nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 sẽ có tỉ lệ lương hưu thấp hơn (cao nhất lên đến 10%) so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu trong năm 2017. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của lao động nữ. Chính vì vậy, như Báo Người Lao Động đã thông tin, tại kỳ họp của QH khóa XIV đang diễn ra, không ít ĐB đã đề xuất lùi thời gian thay đổi cách tính lương hưu khi thời điểm thực hiện đã cận kề.
Chia sẻ với báo giới, bà Đinh Thu Hiền - Phó Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam - cho rằng mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng của cô giáo Trương Thị Lan chưa phải là thấp nhất. Hiện có 3.228 trường hợp đang nhận mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng, thậm chí có trường hợp chỉ 600.000-700.000 đồng/tháng.
"Theo Luật BHXH, nếu đóng thấp thì hưởng lương hưu thấp, đóng cao thì hưởng lương hưu cao. Mức tiền lương đóng BHXH hằng tháng và thời gian đóng BHXH là 2 yếu tố quan trọng nhất trong việc tính lương hưu sau này" - bà Hiền nói và còn cho biết cũng có những cá nhân đang được nhận mức lương hưu "khủng", trên 100 triệu đồng bởi họ đã thực hiện mức đóng - hưởng theo quy định về BHXH ban hành trước năm 2006. "Đóng cao thì hưởng cao, đây là chuyện đương nhiên. Tuy vậy, số trường hợp được nhận lương hưu 100 triệu đồng thì chỉ có 1 người và 1 người khác đang nhận 65 triệu đồng/tháng" - bà Hiền nói.
Cũng theo bà Hiền, từ năm 2006, khi thực hiện Luật BHXH mới đã khống chế trần mức đóng và mức hưởng. Theo đó, người đóng BHXH tối đa không quá 20 lần tiền lương cơ sở và hưởng bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu nên hầu như không còn các trường hợp nhận mức lương cao như nêu trên. Quy định lương hưu của NLĐ áp dụng theo nguyên tắc thực đóng thực hưởng, tức đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp.
Đối tượng hưu trí tại TP HCM làm thủ tục nhận lương hưu Ảnh: Hoàng Triều
Cần sửa những quy định bất cập
Văn bản của Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi QH nhấn mạnh: "Quy định về mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ trong Luật BHXH 2014 đã tạo tình trạng sốc do thay đổi chính sách và chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, gây phản ứng tiêu cực và tâm lý bất an cho NLĐ, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cũng như chính sách an sinh xã hội của đất nước".
Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH xem xét ngay trong kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV, có nghị quyết tạm dừng thực hiện khoản 2, điều 56 và khoản 2, điều 74 Luật BHXH. "Cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ ngày 1-1-2018 vẫn thực hiện như cũ. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu cho lao động nữ, bảo đảm cân bằng quyền lợi của lao động nam và lao động nữ trong thụ hưởng chính sách BHXH" - văn bản nêu rõ.
Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang QH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết là bộ này sẽ có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ tính toán các giải pháp về việc dừng thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH. Trong đó, các giải pháp phải bảo đảm các nguyên tắc: không để lao động nữ thiệt thòi; thực hiện có lộ trình; bảo đảm có đóng (BHXH) có hưởng; tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định và phát triển bền vững, không tạo ra những bức xúc trong xã hội.
"Tôi đã ký văn bản trình Chính phủ các phương án để xử lý vấn đề này. Trong đó có phương án tạm thời chưa thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH và sẽ kéo dài tới năm 2022 mới thực hiện" - Bộ trưởng Dung nói.
Liên quan đến quy định này, ĐBQH Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết càng gần đến ngày thực hiện chính sách về cách tính lương hưu theo Luật BHXH 2014 càng khiến lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nữ, bất an, lo lắng bởi những bất cập. Lao động có tư tưởng bất an sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.
Bà Yến cho rằng khi một điều luật chưa có hiệu lực mà đã bị phản ứng thì cần có đánh giá tác động thật kỹ của chính sách đó đối với tâm tư, tình cảm của đối tượng bị tác động trực tiếp. Có như vậy thì mới bảo đảm quy định của pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống.
Phát biểu thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hôm 1-11, ĐB Nguyễn Thị Như Ý (tỉnh Đồng Nai) đề nghị tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ QH trình QH cho lùi thời gian thực hiện quy định này để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, nhất là lao động nữ, gắn với việc sửa đổi Luật BHXH, chúng ta thực hiện đề án cải cách tiền lương BHXH dự kiến đưa ra bàn và thông qua trong năm 2018.
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, đến ngày 1-1-2018, chúng ta có khoảng 50.000 phụ nữ dự kiến về hưu, trong đó có 21.000 phụ nữ từ 15 năm đóng BHXH đến dưới 30 năm, số người chịu tác động lớn nhất từ 5%-10% là có 4.000 người. Nếu kéo dài lộ trình cho phụ nữ thêm 5 năm để hưởng đúng theo 3%, không phải là 2% trước đây thì tác động đến quỹ BHXH không lớn.
"Quan điểm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH là ủng hộ kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ phải thiệt thòi so nam giới. Chúng tôi nghĩ tác động không lớn, đề nghị QH ủng hộ, Thường vụ QH có ý kiến để chúng ta cho tính công thức lương hưu như cũ" - ông Lợi đề xuất.
Cần giảm sốc cho lao động nữ
Phương án điều chỉnh lương hưu đột ngột đối với lao động nữ theo Luật BHXH 2014 có thể gây "sốc". Do đó, Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đề xuất nên áp dụng điều chỉnh lương hưu của lao động nữ đủ 15 năm đóng BHXH, theo hướng giảm dần trong 5 năm như quy định đối với lao động nam; tức là từ ngày 1-1-2018, mỗi năm sẽ lần lượt nhận thêm mức 2,8%, 2,6%, 2,4%, 2,2% và 2%. Như vậy, phải tới năm 2022, lao động nữ mới có mức điều chỉnh 2% như quy định sắp có hiệu lực của Luật BHXH.
Nếu phương án này được QH chấp nhận cho sửa, sẽ phần nào giảm "sốc" cho đối tượng ảnh hưởng cũng như hạn chế những phản ứng khi có sự điều chỉnh đột ngột của chính sách tới một số đông lao động trong xã hội.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn:
Chỉ sau 1 đêm, thiệt 10%
Với quy định như đã nêu, ngay cả NLĐ có ngày sinh trong tháng 12, khi đã đủ 25 năm đóng BHXH đối với nữ và 30 năm đối với nam sẽ bắt đầu nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018, đều phải chịu cách tính tiền lương hưu từ năm 2018 là quá thiệt thòi. Nhiều người chỉ sau 1 đêm bị thiệt 10% lương hưu.
Câu chuyện của cô giáo Trương Thị Lan, sau 37 năm công tác, nhận 1,3 triệu đồng lương hưu quả là bất công và không ai bằng lòng cả. Qua câu chuyện này, cũng là dịp để các cơ quan, ban ngành cần nhìn thẳng vấn đề về đóng - hưởng BHXH, từ đó có thể ban hành chính sách bảo đảm mức sống cho NLĐ khi về hưu. BHXH Việt Nam cũng đề nghị Ban Thực hiện chính sách BHXH phải có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét tại sao với lao động nam thì được thực hiện các quy định có lộ trình nhưng nữ lại không.
Bên cạnh đó, phải có một cơ quan đặt vấn đề này lên Chính phủ, Chính phủ trình QH mới điều chỉnh sửa luật được. Vấn đề này đã đặt ra từ tháng 2 và 3 năm nay nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tôi đã nói rất nhiều lần và hiện vẫn chưa có tín hiệu tích cực nên hãy chờ đón, chuẩn bị tinh thần để chịu những chỉ trích của NLĐ.
Bình luận (0)