Sáng sớm 2-2, nhiều hành khách đổ ra ga Sài Gòn (quận 3, TP HCM) làm thủ tục đổi, trả và bảo lưu vé tàu Tết Tân Sửu 2021. Ngay tại chân cầu thang lối lên tầng 1 của ga Sài Gòn, nhiều nhân viên túc trực hướng dẫn hành khách các quy định mới về đổi, trả vé tàu.
Ở lại TP HCM... cho lành!
Có mặt ở ga Sài Gòn từ 7 giờ, chị Hân Nghi (quê Phú Yên) cho biết suốt 3 ngày qua, gia đình chị đã suy đi tính lại nhiều lần, cuối cùng quyết định ở lại TP HCM ăn Tết. "Dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ăn việc làm ngày càng khó. Lỡ mà ở quê có dịch thì ăn Tết xong khó bề giữ được việc" - chị Nghi tâm sự. Vì lẽ đó, ngay từ sáng sớm, chị Nghi đã ra ga trả vé để còn kịp lên cơ quan làm việc.
Hành khách đến ga Sài Gòn làm thủ tục đổi, trả vé tàu Tết .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ðứng chờ đến lượt đổi, trả vé ở ga Sài Gòn, anh Nguyễn Văn Cương (quê tỉnh Thanh Hóa) cho biết mua 6 vé tàu Tết về quê ngày 6-2 nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp, về quê thì không an tâm. "Chưa kể khi vô lại TP HCM chưa chắc không bị cách ly. Bàn bạc với gia đình, tôi quyết định đến ga Sài Gòn trả vé, ở lại TP HCM ăn Tết" - anh Cương chia sẻ.
Tương tự, tại Bến xe Miền Ðông (quận Bình Thạnh), bên cạnh lượng hành khách đang tất bật về quê ăn Tết sớm, nhiều người đổ về bến để đổi, trả vé vì quyết định ở lại TP HCM. Chị Hoàng Trâm (ngụ quận Bình Thạnh) mua vé xe về Bình Thuận ngày 5-2 nhưng đã quyết định ra bến trả vé. Nói lý do, chị Trâm không ngần ngại chia sẻ chị sẽ yên tâm hơn với cách phòng chống dịch cũng như truy vết thần tốc F1, F2 ở TP HCM. Ðặc biệt, TP là nơi quy tụ các bệnh viện lớn, các chuyên gia, cán bộ y tế có tay nghề cao.
Dù đã vào cao điểm đi lại Tết nhưng Bến xe Miền Ðông khá thông thoáng.Ảnh: Ý LINH
Chiều 2-2, vội vã đến bến xe để trả vé về Gia Lai, chị Tâm nói sáng nay, nghe thông tin phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 tại quê nhà nên vợ chồng quyết định ở lại TP HCM. "Vợ chồng tôi làm công nhân, sau Tết vào mà bị cách ly 14 ngày thì chắc chắn mất việc. Nhà còn cha mẹ già với 2 con nhỏ, đợt dịch vừa rồi thu nhập đã ít, nay mất việc nữa thì không biết phải sống sao, còn tiền học phí của 2 đứa nhỏ nên giải pháp ở lại là tối ưu" - chị Tâm phân tích.
Theo ghi nhận của chúng tôi trong các ngày 1 và 2-2, nhiều người đã mua vé máy bay dịp Tết nguyên đán 2021 tiếp tục liên hệ các hãng hàng không để xin hoàn, đổi, trả, dời ngày vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. "Nhà tôi ở tỉnh Hải Dương, tuy không nằm ngay TP Chí Linh nhưng do dịch bệnh đang căng thẳng nên quyết định trả, đổi vé máy bay để ở lại TP HCM ăn Tết" - anh Quang Linh (ngụ TP Thủ Ðức) nói. Trong khi đó, chủ một đại lý vé máy bay ở TP HCM cho biết những ngày này, lượng khách liên hệ xin hoàn, đổi vé, dời ngày bay gia tăng sau những thông tin về dịch Covid-19.
Mong được xem xét
Theo anh Quang Linh, việc đổi vé máy bay khá thuận lợi vì là hạng thương gia. "Hãng đã cho bảo lưu 4 vé bay của gia đình tôi trong vòng 1 năm và không mất phí" - anh thông tin.
Không phải ai cũng may mắn như vậy, nhiều người mua vé giá rẻ, vé tiết kiệm của một số hãng hàng không sẽ không có chính sách hoàn vé, đổi trả miễn phí mà thường mất phí và tốn thêm chi phí chênh lệch giá vé tại thời điểm khởi hành mới (nếu có). Với một số vé siêu tiết kiệm, siêu rẻ, khách sẽ không được đổi, trả. Chị Chi (ngụ quận Gò Vấp) lỡ mua 4 vé khứ hồi nên giờ đành phải "ngậm đắng". "Mong các hãng máy bay xem xét hỗ trợ tối đa cho hành khách vì chuyện trả vé là chẳng đặng đừng do dịch gây ra chứ người mua không chủ ý" - chị Chi kiến nghị.
Cầm trên tay biên bản trả vé tàu Tết kiêm biên nhận thu tiền phí trả vé cho 1 vé TP HCM - Tuy Hòa (Phú Yên), chị Hân Nghi nói bị mất phí 359.000 đồng/vé (30%) và được hẹn nhận số tiền còn lại sau ngày 3-5-2021. "Việc mất phí 30% khi hủy cận ngày đi thì ngành đường sắt áp dụng từ 2 năm trước, song hoàn tiền chậm sau 3 tháng thì khó cho hành khách quá. Xem ra quy định mới này của ngành đường sắt cần xem lại để bảo đảm quyền lợi cho khách" - chị Chi bức xúc.
Trở lại chuyện của chị Trâm, khi liên hệ quầy vé ở nhà xe thì được thông báo: "Nhà xe miễn đổi, trả vé Tết". Theo chị Trâm, như vậy là không đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải, hơn nữa vé xe cũng không thể hiện điều này.
Các bên liên quan nói gì?
Ðại diện nhà xe Duyên Hà (tuyến TP HCM - Ðắk Nông) cho biết trong đợt cao điểm Tết này, đơn vị chỉ chấp nhận việc đổi vé sang ngày khác, không chấp nhận hoàn trả vé.
Liên quan đến vấn đề đổi, trả vé xe Tết, ông Nguyễn Lâm Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Vận tải Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Ðông, cho biết về nguyên tắc, người dân có quyền đổi, trả vé xe khi có nhu cầu. Tuy nhiên, việc đổi, trả tiến hành ra sao, mất phí bao nhiêu lại phụ thuộc vào thỏa thuận trước đó của khách hàng và nhà xe. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách hàng không thể đổi, trả được vé xe còn xuất phát từ nguồn mua vé. "Nhiều khách hàng mua vé qua các trang mạng nên khi đến quầy bán vé tại bến xe để đổi, trả sẽ bị từ chối. Bởi các trang mạng này sẽ chịu trách nhiệm đổi, trả vé cho khách và thỏa thuận việc trừ chiết khấu dịch vụ với khách hàng" - ông Hải thông tin.
Nói về quy định mới gây nhiều thất vọng cho hành khách, theo ông Ðào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, ngành đường sắt năm qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dòng tiền bán vé tàu Tết 2021 sử dụng tu sửa các toa xe, vận hành kế hoạch phục vụ Tết cũng như chi phí hoạt động của công ty. Ba ngày nay, khách đổ dồn về bến đổi, trả vé khiến công ty không xoay trở kịp. "Chúng tôi không phải hết tiền mà thực tế các giao dịch thanh toán online phải phụ thuộc ngân hàng, một số ngân hàng không có tiền mặt để thanh toán ngay, do đó phải có thời gian hoàn tiền. Nếu số người trả vé ít thì không sao nhưng cùng lúc đổ dồn về thì thực sự khó xoay trở" - ông Tuấn phân trần.
Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các hãng hàng không khẩn trương thực hiện đổi vé, hoàn vé (tiền mặt hoặc voucher nếu có sự đồng ý của hành khách), kể cả đối với vé có các điều kiện hạn chế (không được đổi ngày/giờ bay, không đổi hành trình, không hoàn vé) đối với hành khách đã mua vé nhưng không thực hiện được chuyến bay do ở khu vực bị phong tỏa, cách ly trên các đường bay hãng vẫn khai thác bình thường. "Yêu cầu các hãng hàng không khẩn trương triển khai cụ thể về quy trình, thủ tục đổi vé, hoàn vé nêu trên và kịp thời thông tin rộng rãi cho hành khách qua hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng, trang thông tin điện tử, văn phòng, đại lý bán vé của hãng" - văn bản hỏa tốc của Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ.
Du lịch "nín thở", muốn được "giải cứu"
Ghi nhận tại nhiều công ty du lịch đến chiều 2-2, lượng khách liên hệ để đổi lịch trình, đổi ngày khởi hành trong dịp Tết nguyên đán 2021 có xu hướng gia tăng.
Hiệp hội Du lịch TP HCM cho biết sau các ca mắc Covid-19 mới ở Hải Dương, Quảng Ninh..., du khách đã đồng loạt hoãn, hủy tour, chương trình du lịch, đặc biệt là các tour Tết đã đăng ký trước đó. Doanh nghiệp du lịch phải hoàn lại tiền cọc hoặc dời ngày vô thời hạn đối với khách hàng, trong khi vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ, thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro.
Theo đó, Hiệp hội Du lịch TP đã gửi văn bản đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, UBND TP HCM và các cơ quan liên quan kiến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là kiến nghị miễn hoặc giảm 50% thuế GTGT cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, du lịch đến hết năm 2021. Miễn tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 và 2022; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%, để giữ chân người lao động, cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi...
Bình luận (0)