Một lần nữa, tình trạng các cây cầu yếu, chậm được sửa chữa, xây mới được báo động nhiều lần trên báo đài đã chứng tỏ mối nguy vừa trở thành họa (dù chưa có thương vong nhân mạng). Trên địa bàn TP HCM hiện có hơn 250 cây cầu yếu, trong đó có 30 cây cầu huyết mạch. Đến hết năm 2016 chỉ xây mới, nâng cấp 3 cầu, đang xây dựng 4 cầu, các cầu còn lại đều đã và đang lập dự án. Cây cầu bị sập là 1 trong 4 cây cầu sắt trên địa bàn huyện Nhà Bè đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại và an toàn của người dân là Rạch Tôm, Rạch Dơi, Rạch Đỉa, Long Kiểng. Hai cầu Long Kiểng và cầu Rạch Đỉa dự kiến sẽ được đưa vào xây mới trong năm 2018.
Dù cầu yếu, nhưng trong khi chưa có cầu mới bởi các dự án chậm trễ thì dân không có cách nào khác để đi lại thuận tiện hơn nên liều mình mà đi, vừa chạy xe vừa run những khi kẹt xe, đông đúc trên cầu, nhất là những chiếc xe tải lớn chen vào, làm các cây cầu rung bần bật. Trong vụ sập cầu Long Kiểng, cầu dài 105,6 mét, bề ngang 3 mét, tải trọng 3,5 tấn, đã bị chiếc xe ben chở đá tổng trọng lượng 15 tấn chạy qua làm sập. Lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cho biết trong khi chờ xây cầu mới, sẽ làm nhịp mới cho cây cầu vừa sập nhịp để dân đi lại kịp trước Tết và chờ cầu mới hoàn thành trong năm 2019.
Ai cũng biết giao thông luôn có tầm quan trọng đặc biệt, là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực, đất nước. Trong tầm nhìn xa trông rộng, Hà Nội, TP HCM cùng những đô thị lớn, những vùng kinh tế trọng điểm đều hết sức chú trọng các dự án kết nối nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Với yêu cầu phát triển, giao thông phải đi trước một bước và đồng bộ trong sự liên kết. Các chương trình nghị sự của Quốc hội, của HĐND các tỉnh, TP đều nóng vấn đề quy hoạch, xây dựng giao thông, nguồn ngân sách cho phát triển. Là đô thị lớn nhất nước, là trọng tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, yêu cầu phát triển giao thông của TP HCM càng cấp bách hơn bao giờ hết. Vùng ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng của TP HCM cùng những dự án vành đai càng thúc đẩy TP HCM không thể kéo dài, chậm chạp tiến độ các công trình giao thông mà vụ sập cầu Long Kiểng cũng là bài học điển hình.
Trong vụ sập cầu này, ngoài sự liều lĩnh của tài xế khi chạy xe quá tải trọng lên cầu và cơ quan điều tra sẽ làm rõ, đề nghị xử lý theo pháp luật, các cơ quan hữu trách của TP HCM cũng phải nhận rõ trách nhiệm về mình. Theo các chuyên gia, đó là trách nhiệm của đơn vị quản lý cầu, là trách nhiệm của chính quyền địa phương…, không giám sát, xử phạt, ngăn chặn xe quá tải qua cầu. Để cho dân đi lại trong cảnh may nhờ rủi chịu là đã không tròn trách nhiệm với dân. TP HCM luôn đi trước, vì cả nước, cùng cả nước, sẽ phải chấm dứt tình cảnh này, không để ảnh hưởng sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Bình luận (0)