Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hà Nội, cho biết những đối tượng trong nhóm yếu thế có nguy cơ diễn tiến bệnh nặng rất nhanh vì họ gặp nhiều rào cản trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ mình trước dịch bệnh.
Không ra ngoài vẫn nhiễm
Theo bác sĩ Bạch Dương, virus SARS-CoV-2 lây qua đường tiếp xúc trực tiếp, đối với trẻ nhỏ có thể từ người mẹ hoặc người chăm sóc, đối với người cao tuổi hoặc người khuyết tật có thể lây nhiễm từ việc tiếp xúc gián tiếp qua các bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng như: gậy, xe lăng, ống nhổ... Ngoài ra có thể lây qua đường giọt bắn khi tiếp xúc gần, dưới 2 m.
Bác sĩ đến thăm khám, tư vấn cho F0 lớn tuổi ở TP HCM đang điều trị tại nhà
"Trong giai đoạn nhiều tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội, người yếu thế sẽ không ra ngoài nhưng vì sao vẫn bị mắc bệnh? Do nhóm người này gặp nhiều rào cản khiến họ bị nhiễm bệnh thụ động, vì vậy khả năng mắc bệnh cao" - bác sĩ Dương cho hay.
Cụ thể, nhóm người yếu thế thường không có khả năng hoặc giảm khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày: như vệ sinh cá nhân, đi lại, ăn uống... Họ cần có sự trợ giúp từ công cụ hoặc người hỗ trợ.
Hầu hết họ gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động vệ sinh cơ bản, ví dụ như người cao tuổi bị giảm năng lực của cơ quan ngũ quan, hạn chế trong vận động, vì thế họ khó khăn khi tiếp cận các thiết bị vệ sinh, thậm chí gặp khó trong việc hoàn thiện hay thực hiện đúng thao tác vệ sinh cá nhân.
Những người này khó khăn để tiếp nhận và xử lý thông tin y tế từ xã hội hay các phương tiện thông tin đại chúng. Từ những nguy cơ này, nhóm người yếu thế sẽ dễ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người mang virus. Nếu đã nhiễm bệnh thì nguy cơ chuyển nặng cũng cao hơn các nhóm khác.
Tiêm vắc-xin nếu đủ điều kiện
Bác sĩ Dương khuyến cáo ngoài tuân thủ 5K, phải khuyến khích họ đi ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ; tăng cường tương tác xã hội qua các thiết bị, giữ liên lạc với gia đình, bạn bè qua điện thoại; sống lạc quan, vui vẻ để tinh thần tốt lên; hạn chế xem tin tức về Covid-19; dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực về bệnh tật.
Bên cạnh đó, người chăm sóc nhóm yếu thế cần giúp họ rửa tay, tắm gội thường xuyên, đúng kỹ thuật, khuyên họ hạn chế sờ tay lên mặt. Đối với người chăm sóc cũng không sờ tay lên mặt của người bệnh, và của mình. Mang khẩu trang đúng cách, hạn chế sinh hoạt trong không gian kín.
Người cao tuổi sẽ hay mắc những bệnh nền, dung tích hô hấp có thể giảm nên họ có thói quen khạc nhổ, vì vậy người chăm sóc có thể chuẩn bị sẵn ống nhổ bên cạnh để họ không khạc nhổ bừa bãi, sau đó thu gom lại và xử lý đúng quy trình. Cố gắng giữ khoảng cách tối thiểu 1 m.
Nên sử dụng các kỹ thuật thư giãn như: hít thở sâu, tập thể dục nhẹ, xoa bóp tay chân để lưu thông máu dễ hơn, duy trì thể trạng. Song song đó, phải lưu ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh răng miệng, nạp đủ lượng đạm cần thiết, bổ sung protein, vitamin. Tùy theo tình trạng sức khỏe mà chuẩn bị số bữa ăn, tốt nhất nên chia từ 3-5 bữa/ngày thì việc hấp thu sẽ tốt hơn.
Người có bệnh nền nên uống thuốc thường xuyên, đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không được tự ý thay đổi đơn thuốc. Đặc biệt, đối với nhóm này nên được tiêm vắc-xin nếu đủ điều kiện.
Người chăm sóc phải theo dõi thường xuyên những người có bệnh nền, hay mắc Covid-19 nhằm phát hiện sớm những biểu hiện chuyển nặng báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Bình luận (0)