Sáng 4-6, Quốc hội (QH) tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn, để trả lời chất vấn về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Trong quá trình trả lời chất vấn, "tư lệnh" ngành giao thông nhiều lần nhắc đến từ "xin lỗi", tuy nhiên các đại biểu (ĐB) đã phát biểu cũng như tranh luận rất gay gắt.
Tại sao dân không đi phải trả tiền?
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán được phê duyệt với kết quả kiểm toán mà báo chí cũng như kiểm toán đã công bố; việc thu phí BOT thực hiện trên các cơ sở mở rộng nâng cấp quốc lộ 1 hướng sắp tới sẽ khắc phục như thế nào?
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương, ông Thể cho biết để bảo đảm tính công khai minh bạch, trong quá trình thực hiện dự án BOT, Bộ GTVT đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán. Đến thời điểm này, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia kiểm toán 50/56 dự án BOT. "Do đó, sự phát hiện và chỉ ra của Kiểm toán Nhà nước là rất đúng nhưng bộ cũng thực hiện đúng và bảo đảm quyền lợi của người dân, của nhà nước với những dự án BOT" - ông Thể nói.
Về việc thu phí BOT, "tư lệnh" ngành giao thông cho rằng đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, do đó trong thời gian bộ phối hợp với địa phương và các nhà đầu tư rà soát và giảm giá toàn bộ 56 dự án BOT, có những dự án giảm 2 đến 3 lần. "Chúng tôi hoàn toàn đứng trên quan điểm của Đảng, nhà nước và nhân dân để điều chỉnh mức phí bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân" - ông nói.
Không đồng tình, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho rằng: Bộ trưởng nói là phương án xử lý và dựa trên lợi ích của người dân. Sau khi nghe bộ trưởng trả lời thì không thấy như thế. Bức xúc hiện nay nằm ở 17 dự án đặt sai vị trí, dân không đi phải trả tiền. Những giải pháp bộ trưởng nêu, chỉ thấy toát lên là dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục xong lại dừng, dân không chịu lại dừng. "Như thế đã vì lợi ích của dân chưa?, tại sao dân không đi phải trả tiền?" - ĐB Hàm chất vấn.
ĐB Dương Trung Quốc:"Chúng ta ít quan tâm đến đường sắt vì không mang lại những lợi ích cho những nhóm lợi ích?".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Làm đường sắt và đường bộ đều như nhau. Bản thân chúng tôi đều lấy cái tâm ra làm". Ảnh: Nguyễn Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết "một số dự án do lịch sử để lại, khi chuyển về bộ chúng tôi tiếp nhận". Hiện nay, để xử lý những dự án này, ông Thể cho rằng ngân sách nhà nước hết sức khó khăn, khó có thể bố trí được nguồn vốn lớn để mua lại toàn bộ. "Chúng tôi cũng đã báo cáo, khi QH biểu quyết nếu có khả năng cân đối các nguồn vốn thì chúng tôi sẵn sàng mua lại toàn bộ các dự án này. Do đó, mong ĐB, người dân hết sức thông cảm" - ông Thể trả lời.
Vẫn không đồng tình, ĐB Hàm tiếp tục bấm nút tranh luận. Ông nói: Nghe bộ trưởng giải thích, tôi thấy thêm một giải pháp "đây là những vấn đề của lịch sử". Theo ông Hàm, ngày trước khi làm các dự án BOT thì các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu, ngân hàng thống nhất với nhau, người dân không được biết . "Tại sao bây giờ người dân phải chịu? Tôi thấy chưa thỏa đáng".
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu vấn đề: Có phải do nhà đầu tư BOT có thể kiện lại bộ nên bộ vẫn cứ tư duy "vá ổ gà" để xử lý các trạm BOT "nằm lạc" ra khỏi dự án không? "Bộ trưởng có nói rằng tiếp tục giảm giá, giảm cước và kéo dài thời gian thu phí, tôi nghĩ đây là một tư duy không thể chấp nhận được".
ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cũng không hài lòng với câu trả lời của "tư lệnh" ngành giao thông. Ông nói: "Tôi nghe bộ trưởng có giải trình là vì lợi ích hài hòa của người dân, vì người dân mà giảm giá BOT. Tôi thấy nếu cách nói thế này giống như là ban phát, xin cho". ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) dẫn việc người dân lưu thông qua trạm T2 BOT chỗ Lộ Tẻ chỉ tham gia đi vào con đường này vài trăm mét nhưng phải trả tiền bằng cả một đoạn đường. "Xin hỏi bộ trưởng, trả tiền như thế đã có công bằng cho người dân chưa? Bộ trưởng xử lý vấn đề này như thế nào?
Thừa nhận những bất cập như ĐB nêu, Bộ trưởng Thể cho rằng do thu phí hở nên còn một số bất cập và đã tiến hành miễn, giảm giá cho người dân ở khu vực trạm T2. "Tôi xin nói là người dân không xin nhà nước hoặc doanh nghiệp cho người dân được giảm. Có đi thì có trả, tôi muốn hỏi sự công bằng ở đây" - ĐB Kim Bé tiếp tục tranh luận.
Không chỉ nhận trách nhiệm là xong
ĐB Tô Thị Bích Châu (TP HCM) đề nghị bộ trưởng cho giải pháp cụ thể để tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ đường sắt và giảm tối đa tai nạn giao thông đường sắt. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), cho biết đường sắt ở tình trạng như hiện nay là do trong nhận thức của chúng ta không đầy đủ. "Phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích, trong khi đường sắt đầu tư lớn?".
"Tư lệnh" thừa nhận ngành GTVT tham mưu kém, do đó chưa có những giải pháp để hình thành tuyến đường sắt Bắc - Nam bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện rất lạc hậu nhưng vẫn chưa có giải pháp để nâng cấp. "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu để chúng ta nâng cao chất lượng đường sắt và hiện nay có một số tai nạn giao thông xảy ra liên quan tới đường sắt" - ông Thể nói.
Không hài lòng, ĐB Dương Trung Quốc không tán thành việc bộ trưởng cho rằng lý do là do tham mưu kém của ngành đường sắt. "Ngành đường sắt gần như bị bỏ rơi thì đúng hơn. Phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn. Có phải chúng ta ít quan tâm đến đường sắt vì không mang lại những lợi ích cho những nhóm lợi ích?".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xin lỗi các ĐB khi không dành nhiều đoạn để nói về đường sắt và cho biết nhiều tai nạn đường sắt xảy ra những ngày gần đây, bản thân lãnh đạo bộ và các đơn vị cũng đã nhận trách nhiệm trước Đảng, nhà nước, nhân dân. "Chứng tỏ rằng chúng tôi cũng xác định trách nhiệm rất cao của mình và sự yếu kém của hệ thống đường sắt" - ông nói.
Liên quan đến ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc, ông Thể cho biết dự án đường sắt nào cũng cần vốn rất lớn, hàng chục tỉ đô. "Nếu làm mới thì phải làm song hành, khổ 1,435 m, nếu QH thống nhất thì mới có thể triển khai được, đáng tiếc là chưa thể thông qua" - ông Thể nói.
Ông Thể thừa nhận đường sắt lạc hậu và đầu tư chưa đúng mức, nhưng khẳng định làm đường sắt và đường bộ đều như nhau. "Bản thân chúng tôi đều lấy cái tâm ra làm" - bộ trưởng nói.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM), với những yếu kém kéo dài, liên tục xảy ra trong thời gian vừa qua, "Bộ và cá nhân bộ trưởng không đủ sức để chịu trách nhiệm, bởi đó là tính mạng của người dân" - bà nói và đề nghị đưa ra những giải pháp cả trước mắt và lâu dài để khắc phục, chứ không phải chỉ đơn giản là vấn đề trách nhiệm. "Gần đây, tôi đã đi đường sắt và thấy chất lượng dịch vụ, nhất là vấn đề vệ sinh đã làm cho người đi tàu rất nản lòng và phật ý".
Cứ lấy lại tên cũ là "Trạm thu phí" BOT
Với tên gọi "Trạm thu giá" BOT, ông Nguyễn Văn Thể cho biết "sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo với Chính phủ để thay một tên mới phù hợp với thực tiễn".
Bộ trưởng GTVT vừa dứt lời, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói luôn: "Việc đổi tên "trạm thu giá" không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy cứ trở về tên cũ "trạm thu phí" là được. Bây giờ đợi trình Chính phủ rất lâu. Tên đúng như tên cũ thì cứ lấy lại thôi".
Bình luận (0)