Trong bối cảnh đất nước đi sâu vào hội nhập, phát triển, việc hình thành và hoạt động các đặc khu này là hết sức cần thiết.
Tại nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn gần đây, các ý kiến khá tập trung về việc chọn người đứng đầu đặc khu. Nhiều ý kiến cho rằng cần mạnh dạn giao quyền, giao việc, tránh tình trạng cẩn trọng đến mức thái quá, che chắn hoặc không tin cậy hoàn toàn, không dám giao quyền, từ đó trưởng đặc khu bị "trói chân trói tay", khó phát huy trí tuệ, tài năng, bản lĩnh.
Khi mở ra một cơ chế mới, mô hình mới, sự cẩn trọng là cần thiết. Tuy nhiên, với mô hình đặc khu (ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) cần mạnh dạn phân quyền để thúc đẩy sự phát triển, có lợi cho đất nước. Thực tế trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài những năm qua cũng cho chúng ta những bài học kinh nghiệm. Có những việc, những dự án phải xin chủ trương, xin phép nhiều cấp, đến khi đồng ý cấp phép thì đã qua cơ hội, nhà đầu tư bỏ đi. Câu chuyện tỉ phú Mỹ Shedon Adelson - Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands - 5 năm trước đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về cơ hội đầu tư vào Vân Đồn, chỉ hỏi về quy hoạch, sân bay quốc tế, người có thẩm quyền quyết định, khi nào người Việt được vào chơi casino và ra về chỉ sau 5 phút làm việc khi chưa được trả lời thấu đáo là một điển hình về sự cần thiết mạnh dạn phân quyền.
Sân bay Phú Quốc. Ảnh: Hoàng Tuấn
Nhưng mặt khác, giao quyền rộng quá (116 thẩm quyền trên 13 lĩnh vực), thậm chí có đề xuất miễn trách nhiệm hình sự cho trưởng đặc khu, lại khiến nhiều người cho rằng không ổn, dễ bị lạm quyền dẫn đến sai sót, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cần cơ chế để giám sát, điều hòa, song cơ chế này phải thoáng, không để trưởng đặc khu bị áp lực, cảm thấy như bị "soi", nhòm ngó vào việc điều hành.
Suy cho cùng, vấn đề vẫn là cơ chế và con người. Cơ chế đúng, con người đúng là mọi việc suôn sẻ. Chọn trưởng đặc khu chắc chắn phải là người có tài, có tâm, tầm nhìn xa trông rộng; có bản lĩnh điều hành, quyết đoán trong lãnh đạo, quyết định các vấn đề hệ trọng; chớp đúng thời cơ để thúc đẩy đặc khu phát triển nhanh chóng…Vì vậy, cần tạo cơ chế thông thoáng và chọn đúng người, đặt trọn niềm tin vào người đã chọn. Việc này đòi hỏi chính quyền địa phương, cơ quan trung ương, cơ quan tham mưu tiến cử đúng người phù hợp.
Ba đặc khu kinh tế mở ra những vận hội phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội địa phương và cải thiện đời sống cư dân địa phương. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ xây dựng các đặc khu để tạo lực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá. Việc Chính phủ đưa ra trình Quốc hội là khẳng định lần nữa quyết tâm triển khai thực hiện, có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng phải xắn tay vào làm mới có thành công.
Khi có cơ chế đặc thù, các đặc khu thêm động lực để phát triển nhanh và bền vững. Song cũng rất cần thể chế hóa với tư duy thông thoáng, tránh bất cập hoặc thái quá trong các quy định và tìm đúng người tài năng, phù hợp nhất để đảm trách cương vị đứng đầu.
Bình luận (0)