Ngày 25-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ và đoàn công tác của QH đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện các Nghị quyết của QH về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội và việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Phát biểu tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định TP Hà Nội tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến trao đổi, góp ý của các lãnh đạo QH, lãnh đạo các Ủy ban của QH và các bộ, ngành trung ương; đặc biệt là chỉ đạo của Chủ tịch QH để tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành các báo cáo; hoàn thiện hồ sơ, trình QH 3 nội dung có tính chiến lược vào kỳ họp tháng 10 tới gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giao quyền cho Hà Nội, tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển, như cho phép thành phố dùng nguồn lực địa phương để đầu tư các công trình hạ tầng lớn quy mô dự án trọng điểm Quốc gia hay các dự án có tính chất liên tỉnh; xử lý ô nhiễm môi trường; di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học; cơ chế giải quyết các dự án tồn đọng; cơ chế đặc thù về định mức, đơn giá...
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao các cơ quan TP Hà Nội đã chuẩn bị rất tốt các nội dung làm việc thiết thực, hiệu quả.
Nhìn nhận về tình hình, kết quả thực hiện các nghị quyết của QH về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá trong bối cảnh rất khó khăn nhưng Thành ủy, HĐND, UBND TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, đạt được kết quả khá toàn diện, rất quan trọng; đặc biệt xuất sắc là sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; phục hồi kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Cách làm của Hà Nội bài bản, từ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, xây dựng 10 chương trình công tác của Thành ủy, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Các cụ ta có câu "ngắn sào dễ trở", nhưng quy mô kinh tế của Thủ đô lớn, "sào" dài mà "trở" được như thế này là rất tốt. Kết quả của Thủ đô đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế của cả nước" - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá.
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch QH đề nghị thành phố tập trung rà soát, làm rõ những mặt còn hạn chế để đề ra các giải pháp khắc phục. Ngoài các hạn chế đã được đề cập trong báo cáo, thành phố cần rà soát thêm về chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững; tăng tốc công tác quy hoạch; cải tiến các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh.
"Với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước, mong muốn chung của chúng ta là Hà Nội sẽ có bước phát triển mạnh hơn, đột phá hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025" - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của TP Hà Nội, Chủ tịch QH cho rằng đây đều là những kiến nghị xuất phát từ thực tiễn, nên vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các bộ đề nghị rà soát, giải quyết luôn; vấn đề nào thuộc nhiệm vụ của QH đề nghị tổng hợp để báo cáo với QH tại kỳ họp thứ 6 sắp tới. Đối với những nhiệm vụ cấp bách, đột xuất, thì Ủy ban Thường vụ QH hay QH sẽ tổ chức họp giải quyết ngay.
Thống nhất về mặt nguyên tắc đối với các quan điểm xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch QH nhất trí cao với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội là luật phải giải quyết khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn cho Thủ đô phát triển.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ QH hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi) trước ngày 1-9-2023; đồng thời, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ quy hoạch để trình đồng thời cả Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong cùng một kỳ họp.
Chủ tịch QH đề nghị TP Hà Nội tiếp tục tham vấn ý kiến rộng rãi nhà khoa học, trí thức, các tầng lớp nhân dân, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố các thời kỳ để hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời làm tốt công tác truyền thông để người dân thấy đây là sản phẩm của mình, do mình và cho mình. Cả nước cũng thấy được Luật Thủ đô là thực hiện đúng tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã tập trung chỉ đạo, đưa kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19.
Các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng bình quân năm 2021, 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm 2021-2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 5,86%, cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%).
Thu ngân sách vượt dự toán hàng năm, cơ cấu nguồn thu theo hướng tỉ trọng thu nội địa ngày càng tăng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 đạt hơn 656.000 tỉ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao. Tổng chi ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2021-2022 khoảng 178.500 tỉ đồng, đạt 82,8% dự toán.
Bình luận (0)