Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho rằng việc đơn vị thi công công trình xây dựng, tu bổ và tôn tạo di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) đưa máy đào vào vùng lõi, khu vực bảo vệ di tích là vi phạm Luật Di sản. Theo ông, cần đình chỉ thi công ngay để xem xét, mời chuyên gia tư vấn, Bộ Văn hóa - Thể thao (VH-TT) và Du lịch vào cuộc đánh giá xem có làm ảnh hưởng di tích không.
"May mắn là báo chí phát hiện, chúng tôi chỉ đạo dừng ngay, nếu không thì rất phức tạp. Khi xảy ra sự việc, lẽ ra Giám đốc Sở VH-TT nên tiếp thu ý kiến, trao đổi kịp thời với báo chí, đằng này lại tắt điện thoại, né tránh báo chí là không được. Cần trân trọng tiếp thu ý kiến để làm cho tốt hơn, chứ không nên né tránh. Riêng việc Giám đốc Sở VH-TT ký văn bản "truy" người cung cấp thông tin tôn tạo tháp Bánh Ít cho báo chí, tôi đã chỉ đạo rút công văn đó ngay, nếu không rút thì chịu trách nhiệm" - ông Long nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long,việc đơn vị thi công công trình xây dựng, tu bổ và tôn tạo di tích tháp Bánh Ít đưa máy đào vào vùng lõi, khu vực bảo vệ di tích là vi phạm Luật Di sản.
Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, cụm di tích tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII. Đây là quần thể kiến trúc độc đáo, được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 1982. Cụm tháp Chăm ngàn năm tuổi này được đưa vào tập sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh. Mỗi năm, tháp Bánh Ít thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, du lịch.
Trước tình hình di tích tháp Bánh Ít xuống cấp, tháng 9-2021, UBND tỉnh Bình Định có chủ trương tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Công trình do Sở VH-TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với tổng vốn 25,6 tỉ đồng.
Ngày 27-10-2021, Bộ VH-TT-DL có văn bản thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Đến tháng 12-2021, công trình được chính thức khởi công xây dựng cho đến nay.
Đơn vị thi công đưa máy vào trong di tích tháp Bánh Ít để đào múc đất cạnh các tháp.
Đầu tháng 3 vừa qua, các nhà thầu đã đưa máy múc vào vùng bảo vệ nghiêm ngặt của di tích tháp Bánh Ít để thi công, dùng gạch không nung rồi quét màu để xây bồn hoa xung quanh di tích. Nhiều khu vực bị đào bới san gạt, không có chuyên gia văn hóa giám sát. Đơn vị thi công còn đào hố móng, đổ bê tông xây dựng công trình bên trong khu di tích... Vụ việc đã khiến nhiều chuyên gia, người dân bức xúc.
Liên quan vụ việc trên, phóng viên các cơ quan báo chí đã liên hệ Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh để nắm thông tin nhưng ông tắt máy điện thoại, nhiều lần né tránh. Đến ngày 11-3, liên Sở VH-TT - Xây dựng tỉnh Bình Định mới gửi thông tin chính thức cho báo chí.
Theo đó, 2 sở này khẳng định việc triển khai thi công dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít được thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật; đúng theo hồ sơ thiết kế được Cục Di sản văn hóa thỏa thuận; không có đào xới, xâm hại di tích.
Hiện trường xây dựng, tu bổ, tôn tạo các hạng mục tại di tích tháp Bánh Ít
Đến ngày 18-3, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định tiếp tục ký văn bản yêu cầu Giám đốc Bảo tàng tỉnh này khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc cán bộ, viên chức tại đơn vị cung cấp thông tin, hình ảnh, video cho báo chí xung quanh việc xây dựng, tu bổ và tôn tạo các hạng mục tại di tích tháp Bánh Ít. Theo đó, ông Chánh yêu cầu xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin không đúng quy định và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 21-3.
Theo văn bản trên, khi triển khai thực hiện dự án tại tháp Bánh Ít , báo chí, dư luận và các trang mạng có một số phản ánh trái chiều, không mang tính chất xây dựng. Sau đó, mặc dù đã tạm dừng các hạng mục chỉnh trang trên sân tại cụm tháp Bánh Ít nhưng một số báo, trang mạng và dư luận vẫn còn thông tin trái chiều, làm nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn cho việc tiếp tục tổ chức thực hiện các hạng mục tại di tích theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định.
Trước nội dung "lạ" của văn bản trên, chiều 21-3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Giám đốc Sở VH-TT thu hồi.
Bình luận (0)