Tại phiên họp thứ 25 vào ngày 12-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT).
Ảnh hưởng đến nền kinh tế
Theo tờ trình dự án nghị quyết về biểu thuế BVMT, Chính phủ đề nghị tăng mức thuế này đối với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; dầu diesel từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu ma-dút, dầu nhờn từ 900 đồng/kg lên 2.000 đồng/kg; dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thông qua dự thảo nghị quyết về biểu thuế môi trường nhận được sự đồng tình của người dân Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại phiên họp, báo cáo thẩm tra nghị quyết, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết để bảo đảm tạo sự đồng thuận của xã hội với việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn một số vấn đề, bao gồm đánh giá tác động của việc tăng thuế BVMT đối với nền kinh tế, doanh nghiệp (DN), đời sống của người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Bên cạnh đó, đánh giá phản ứng của dư luận xã hội trong quá trình soạn thảo và nguồn tăng thu từ thuế BVMT sẽ được bố trí, sử dụng như thế nào trong việc khắc phục hậu quả môi trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu đặc biệt lưu ý xăng dầu là nguyên liệu thiết yếu, được sử dụng khá phổ biến trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, phương tiện đi lại của người dân. Do vậy, việc tăng thuế BVMT với xăng dầu sẽ làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cũng băn khoăn khi cho rằng trong điều kiện hiện nay, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức QH giao là 4%. Do đó, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống nhân dân, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc tăng thuế suất thuế BVMT đối với xăng dầu.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các DN xăng dầu phải thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, tiêu hao, bảo quản, đổi mới công nghệ để giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Chủ tịch QH nhấn mạnh thuế có thể tăng lên nhưng không làm tăng giá xăng dầu, góp phần tạo ra sự đồng thuận của xã hội.
Đáng chú ý, trên cơ sở thảo luận, cho ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân "chốt" vấn đề: Do còn có các ý kiến khác nhau, chưa thống nhất nên quyết định chưa biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết tại phiên họp này.
Quyết định hợp lòng dân
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sau khi UBTVQH chưa biểu quyết thông qua việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), bày tỏ sự đồng tình trước quyết định này,
Ông Long cho rằng UBTVQH đã thảo luận rất thận trọng trước một vấn đề lớn tác động sâu rộng đến nền kinh tế và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, các ý kiến của các đơn vị liên quan, các chuyên gia phản biện đều được xem xét đầy đủ khi quyết định chưa biểu quyết thông qua. Theo ông, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu thời điểm này sẽ khó kiềm chế được lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. "Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động mạnh đến mọi mặt hàng sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đời sống người dân. Trong bối cảnh hiện nay, năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm trong nước yếu, nếu tăng thuế BVMT kịch trần sẽ tác động đến sự cạnh tranh của DN" - ông Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), cho rằng việc tăng thuế BVMT sẽ khiến giá xăng dầu tăng, kéo theo các mặt hàng khác tăng giá. Do đó, việc UBTVQH xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc về mọi mặt, trong đó có yếu tố tác động đến người tiêu dùng và DN để chưa thông qua dự thảo nghị quyết trên là một quyết định hợp lòng dân.
Theo lãnh đạo một DN vận tải xe khách tuyến Hà Nội - Lào Cai, áp lực cạnh tranh đang khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc chưa tăng thuế BVMT sẽ loại bỏ lo ngại xăng dầu tăng giá, DN sẽ "dễ thở" hơn.
Đánh giá tác động môi trường: Ba luật vênh nhau
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về việc thực hiện một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật BVMT, liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư. Theo tờ trình của Chính phủ, đang có cách hiểu khác nhau về việc áp dụng các quy định của pháp luật về thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM giữa 3 luật trên.
Để tháo gỡ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH kiến nghị UBTVQH 2 phương án. Phương án thứ nhất, đề nghị Chính phủ chuẩn bị và bổ sung đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án Luật Sửa đổi, bổ sung về nội dung liên quan đến ĐTM của 3 luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2018). Phương án hai, đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung sửa đổi các nội dung liên quan đến ĐTM của 3 luật tại dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với phương án 1. Cuối phiên thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện, bổ sung lại hồ sơ và dự thảo nghị định, trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp vào tháng 8-2018.
Bình luận (0)