Ngày 28-1, tại cuộc họp báo công tác tư pháp quý IV/2018, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết đơn vị đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội về quy định "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân" mà UBND TP Hà Nội vừa ban hành. Theo đó, qua rà soát cho thấy việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành nội quy tại trụ sở tiếp công dân là đúng thẩm quyền, trách nhiệm theo Luật Tiếp công dân.
Theo ông Ba, trong nội quy của Hà Nội ban hành không quy định cấm ghi âm, ghi hình nhưng yêu cầu khi công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm thì phải được sự đồng ý. Luật Tiếp công dân và văn bản liên quan cũng không quy định cụ thể về giới hạn nội dung về nội quy tiếp công dân. Luật Tiếp công dân không có quy định cụ thể và không có quy định về vấn đề cấm công dân được tiếp tại trụ sở trong việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Tuy nhiên, trong luật này quy định nghiêm cấm vi phạm các quy định khác trong nội quy quy chế tiếp công dân, đồng thời nhấn mạnh người dân khi tới trụ sở tiếp công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và hướng dẫn của người tiếp công dân.
Ông Đồng Ngọc Ba (đứng) cho biết Bộ Tư pháp không đủ thẩm quyền để kết luận về văn bản của Hà Nội
Ông Ba khẳng định văn bản này không thuộc loại quy phạm được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, trách nhiệm xem xét tính pháp lý có phù hợp không, xử lý thế nào trước hết thuộc chính cơ quan ban hành, ở đây có trách nhiệm rất quan trọng của Thanh tra Chính phủ - cơ quan của Chính phủ được giao tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tiếp công dân. Bộ Tư pháp không đủ cơ sở để ra quyết định, kiến nghị với cơ quan ban hành nội quy về tiếp công dân tại trụ sở.
Cũng theo rà soát của Bộ Tư pháp, hiện có 62/63 tỉnh, thành phố đã ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở căn cứ theo Luật Tiếp công dân. Trong đó, một số bộ, ngành và 28 địa phương có quy định không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân. Ông Ba cho biết về câu chữ, cách diễn đạt ở các địa phương là khác nhau nhưng cơ bản nội dung là việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.
Liên quan đến dự thảo Nghị định mới về họ, hụi, biêu, phường mà Báo Người Lao Động nêu trong thời gian qua, trong đó đề cập nội dung mở dây hụi phải khai báo với chính quyền, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), cho biết chỉ có 2 trường hợp lập họ trên 100 triệu đồng và làm chủ 2 dây họ trở lên mới phải thông báo cho cấp xã, phường. Việc thông báo chỉ để nắm thông tin chứ UBND cấp xã, phường không giám sát hoạt động họ, hụi, biêu, phường. Đây là vấn đề đã được ban soạn thảo nghiên cứu kỹ trong 2 năm qua, vì trên thực tế các vụ việc vỡ hụi, họ thời gian qua thì chính quyền địa phương hoàn toàn không có thông tin.
Ông Tú cũng cho biết UBND cấp xã sẽ không can thiệp vào hoạt động của họ, hụi, biêu, phường của các bên liên quan. Đồng thời, quy định việc khai báo khi chơi họ được đưa vào dự thảo cũng xuất phát từ đề xuất của các địa phương, bộ ngành. Theo đó, đây sẽ là kênh khả thi giúp cơ quan quản lý nhà nước xử lý vấn đề bất cập hiện nay liên quan đến họ, hụi, biêu, phường. Bên cạnh đó, mục đích của ban hành nghị định dựa trên 2 chính sách cơ bản, tự giám sát lẫn nhau giữa chủ họ và các thành viên và hoàn thiện quy định về lãi suất để bảo đảm phù hợp quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, không quá mức 20%/năm.
Bình luận (0)