Ai đó đã từng nói: Người chọn nghề mà nghề cũng chọn người. Người chọn được nghề là duyên, nghề chọn được người ấy lại là nghiệp. Và chính cái nghiệp ấy đã mang tôi đến với một cái nghề quanh năm gắn bó với rừng núi, đó là nghề kiểm lâm.
Mỗi kiểm lâm bảo vệ 1.000 ha rừng đặc dụng
Khi còn trên ghế giảng đường, tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ có một ngày mình khoác lên vai bộ lâm phục, mang đôi dép rọ cao su. Vậy mà như một sự đẩy đưa của số phận, tháng 4-2016, tôi trở thành cán bộ kiểm lâm công tác tại Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở phía Tây Bắc dãy núi Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình. Từ một khu bảo tồn thiên nhiên, Phong Nha - Kẻ Bàng đã vươn mình trở thành vườn quốc gia lớn nhất cả nước, được UNESCO 2 lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo (năm 2003); tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái (năm 2015). Phong Nha - Kẻ Bàng là niềm tự hào của những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất gió Lào cát trắng.
Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ trái tim của vùng di sản. Với diện tích 123.326 ha, bình quân mỗi kiểm lâm viên phải bảo vệ khoảng 1.000 ha rừng đặc dụng. Hằng tháng, lực lượng kiểm lâm ở đây phải xây dựng và triển khai hàng trăm đợt tuần tra, bảo vệ rừng. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ y nguyên chuyến đi rừng đầu tiên trong đời kiểm lâm của mình, một chuyến đi "định mệnh".
Đó là ngày 29-6-2016, chỉ 2 tháng sau khi nhận công tác, tôi được giao nhiệm vụ tham gia tuần tra 4 ngày 3 đêm ở một số khu vực nằm trên địa bàn Trạm Kiểm lâm Khe Gát. Đây là tuyến tuần tra "nặng đô" mà các kiểm lâm viên dạn dày còn thở ra khói. Trong đoàn của tôi khi ấy có cán bộ kiểm lâm của Tổ Kiểm lâm Cơ động số 1 cùng với 2 Trạm Kiểm lâm Khe Gát và Trộ Mợng, gồm các anh: Trần Văn Hải, Phan Thanh Xuân, Lê Phương Đông, Nguyễn Duy Năng, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Hà. Trong bộ lâm phục màu xanh cùng chiếc ba lô con cóc, tôi háo hức chờ đợi chuyến đi rừng đầu tiên của mình.
Hai ngày lội suối, băng rừng
Địa hình chủ yếu của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là núi đá vôi. Để tiếp cận các khu vực kiểm tra, chúng tôi phải băng qua những đoạn đường lởm chởm đá tai mèo, những vách đá dựng đứng, sừng sững thách thức sự can đảm của bất kỳ ai. Với địa hình nói trên, mọi loại giày dép đều lép vế so với chiếc dép rọ giá chỉ 20.000 đồng. Vì là lần đầu tiên đi rừng nên tôi bị chậm so với mọi người trong đoàn. Dưới cái nắng mùa hè thiêu đốt, tôi tu sạch 2 chai nước trong ba lô. Mới đi chưa được bao lâu mà áo đã ướt đẫm mồ hôi. Qua ngày thứ hai, chúng tôi đã đến được khu vực kiểm tra. Là người am hiểu địa bàn, anh Lê Phương Đông được giao nhiệm vụ đi trước dẫn đường.
Khi chúng tôi đang bàn bạc phương án kiểm tra rừng thì anh Đông chạy đến, mặt nghiêm trọng.
- Có người xâm nhập! Anh vừa nói và ra hiệu giữ im lặng.
Qua thám thính tình hình, anh Đông phát hiện có một lán trại cách chúng tôi khoảng 300 mét, trong lán có người. Các anh trong đoàn vội phân công nhiệm vụ để vây bắt các đối tượng xâm nhập. Anh Đông chặt cho tôi một khúc cây để tự vệ và dặn: "Chú là lính mới, tuyệt đối không được xông lên hàng đầu nghe chưa". Tôi gật đầu và căng thẳng. Chúng tôi chia nhau thành hai tốp để tiếp cận. Tôi theo tốp của anh Đông, lặng lẽ tiến về phía trước lán, trống ngực đập thình thịch, mồ hôi vã như tắm. Khoảng cách dần dần được thu hẹp và khi chỉ còn khoảng 10 bước chân, một tiếng thét vang lên:
- Tất cả đứng yên!
Dứt tiếng thét hiệu lệnh, cả hai tốp ập vào lán khống chế người ở trong.
Nhưng trái với suy nghĩ ban đầu, việc vây ráp và khống chế "lâm tặc" khá dễ dàng. Hai đối tượng "lâm tặc" mà chúng tôi phát hiện là hai người đàn ông, một người đã lớn tuổi, bị cụt tay trái, người còn lại trẻ hơn một chút. Khi chúng tôi tiếp cận lán thì cả hai đang ngủ say trên võng nên không kịp phản ứng. Kiểm tra trong lán, chúng tôi phát hiện một số lượng lớn dây bẫy thú rừng làm bằng dây phanh xe đạp. Qua xét hỏi, xác minh được người đàn ông cụt tay tên là Đoài, 50 tuổi và người kia tên Yên, 37 tuổi, đều là người dân trên địa bàn. Họ thừa nhận đã mang dây bẫy vào rừng để bẫy bắt động vật, thời điểm bị phát hiện, họ đã cài được một số bẫy ở khu vực khe suối gần chỗ đóng lán. Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi kiểm tra và tháo gỡ toàn bộ số bẫy đã được cài, sau đó lập biên bản và tạm giữ toàn bộ tang vật.
Phút dừng chân của kiểm lâm viên trên đường tuần tra và bữa cơm đạm bạc ăn vội giữa rừng
Khổ nên nhắm mắt làm liều
Sau một lúc bất ngờ, sợ hãi, hai người đàn ông chuyển sang thẫn thờ và mệt mỏi, khuôn mặt hằn lên nỗi khắc khổ, nhọc nhằn của kiếp người may rủi chốn đại ngàn. Bỗng ông Đoài bật dậy làm tôi giật mình:
- Ông đứng yên đó. Tôi cầm khúc cây nhảy tới chặn lại, giọng nghiêm nghị.
- Không, không… Em không chạy mô, đừng đánh em…, người đàn ông sợ hãi giải thích.
- Bác lớn tuổi hơn cả cha tôi nữa, bác đừng xưng em. Không ai đánh đập bác đâu, bác cứ ở yên đó, tôi nói.
- Nhưng chú ơi… tôi nặng bụng quá… cho tôi đi…
Thế là chúng tôi phì cười, mọi căng thẳng chợt tan biến.
Lập xong biên bản thì trời cũng đã về chiều. Ngoại trừ tang vật vi phạm, chúng tôi trả lại toàn bộ vật dụng cá nhân của họ. Anh Đông nói:
- Cũng gần tối rồi, mời hai bác ở lại ăn cơm với anh em.
Ông Yên lắc đầu:
- Cám ơn mấy chú nhưng chắc là thôi.
Tôi hỏi:
- Hai bác cũng lớn tuổi rồi, sao không ở nhà mà vào rừng bẫy thú làm chi cho cực?
Ông Đoài thở dài:
- Khổ lắm chú à, gia đình vất vả, thằng con trai bị tai nạn nằm ở nhà, vợ nó thì không có việc làm, mấy đứa cháu nheo nhóc, được mấy tạ lúa trong nhà đã bán sạch để chạy chữa cho nó hết. Biết là nhà nước cấm bẫy thú rừng nhưng vì hoàn cảnh đành nhắm mắt làm liều. Thôi, xin phép các chú.
Sau chuyến đi rừng ấy, Phong Nha - Kẻ Bàng đã níu tâm hồn tôi ở lại, thổi tiếp cho tôi ngọn lửa dấn thân vào sự nghiệp bảo tồn di sản, đồng thời ước mong sẽ có thật nhiều chương trình cải thiện sinh kế cho người dân vùng đệm vườn quốc gia, để những đứa trẻ trên quê hương Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ được vô tư đến trường chứ không phải theo cha chú lên rừng, phó thác số phận cho may rủi chốn đại ngàn. Khi đó, rừng bớt áp lực và những nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người kiểm lâm sẽ vơi đi phần nào.
Và tôi vẫn tin, hành trình bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của chúng tôi sẽ không bao giờ đơn độc.
Thay bằng sinh kế bền vững hơn
Hai người đàn ông lủi thủi ra về. Tôi nhìn theo bóng hai người cho đến khi khuất hẳn sau rặng cây, thở dài:
- Tội nghiệp họ quá.
Anh Phan Thanh Xuân lắc đầu:
- Tội họ ai tội mình, hôm nay bẫy vài con thú, hôm sau chặt vài cây rừng, cứ thế chục hôm, trăm hôm thì nát hết cả khu rừng còn đâu. Xử lý nghiêm thì dân họ ghét, mà không xử lý thì mất rừng, anh em mình lại dính kỷ luật cả đám.
Tôi gật đầu, anh Xuân nói đúng. Rừng với mỗi người dân tựa như một bát cơm, nếu muốn người dân không động đến bát cơm từ rừng thì phải thay thế bát cơm ấy bằng một bát cơm khác bền vững hơn. Nhưng đó là ở tầm vĩ mô, còn những người kiểm lâm như chúng tôi chỉ biết thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, giữ gìn từng gốc cây, ngọn cỏ của vùng di sản, dẫu đôi khi phải chấp nhận mang tiếng ác.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)