Đây cũng là động lực phát triển của hàng loạt ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Điểm khác biệt của chiến lược ô tô mới mà Bộ Công Thương đang soạn thảo là không còn đặt cược vào khu vực FDI nữa mà đặt niềm tin vào doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam với bước đi cụ thể là thành lập một số DN quy mô lớn dẫn dắt thị trường. Các DN này sẽ hỗ trợ các DN CNHT chuyển sang sản xuất với sản lượng lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp cho các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.
Những cánh chim đầu đàn đã có. Trong số 175 DN sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam với tỉ trọng 47% là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 53% DN trong nước, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã vươn lên là một đối trọng của các DN FDI. Thaco đến nay đã hình thành một khu phức hợp cơ khí ô tô gần 400 ha với định hướng xuất khẩu ô tô sang Lào, Myanmar.
Bên cạnh những tên tuổi cũ thì tâm điểm của sự chú ý hiện nay là Vinfast của tỉ phú đô-la Phạm Nhật Vượng với kế hoạch đầu tư 3,5 tỉ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất ô tô Việt Nam công nghệ châu Âu. Kế hoạch đầy tham vọng xuất xưởng 100.000 xe sedan đầu tiên từ quý III/2019 với tỉ lệ nội địa hóa 40%-60% đang gây bất ngờ không chỉ với dư luận mà với cả các chuyên gia kinh tế đã dành cả cuộc đời nghiên cứu công nghiệp ô tô như ông Phan Đăng Tuất. "Tôi vừa mừng vừa lo và rất tò mò không biết tổ chức CNHT thế nào để Vinfast sản xuất được chừng ấy ô tô trong vòng chưa đến 2 năm. Nhưng tôi vẫn tin vào Vinfast" - ông Tuất nói.
Chỉ cần nhìn vào đối tác của Vinfast với các tên tuổi Bosch, Siemens trong lĩnh vực cung cấp linh kiện, vận hành nhà máy hay Pininfarina, Torino Design và ItalDesign - những hãng từng thiết kế cho BMW, Mercedes, Audi là có đủ cơ sở để đặt niềm tin vào những mục tiêu mà tập đoàn này đặt ra.
Thị trường ô tô Việt Nam đang ở bước ngoặt lớn khi người mua "nín thở" chờ giá xe xuống thấp hơn nữa còn DN đau đầu níu lấy những cơ hội cuối cùng ở cột mốc 2018, thuế nhập khẩu ô tô sản xuất trong khu vực ASEAN về 0%. Liệu các DN có nắm được cơ hội hay lại tiếp tục vuột mất?
Các DN Việt Nam đã đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp ô tô nhưng để thành công, cần có sự khuyến khích, nâng đỡ của chính sách. Trong thực tế, yếu tố quan trọng nhất để có ngành công nghiệp ô tô là quy mô thị trường. Khi thị trường Việt Nam tiêu thụ đạt từ 500.000 xe/năm thì DN mới có cơ hội tốt để phát triển. Các cơ chế, chính sách phải bảo đảm hướng đến quy mô thị trường này, nếu không, giấc mơ ô tô Việt sẽ một lần nữa lại bị dập tắt.
Bình luận (0)