Đến ngày 11-10, trong khi các bất cập, tồn tại của trạm BOT Biên Hòa vẫn chưa được các đơn vị liên quan đưa ra phương án nào khả dĩ để có thể xử lý thì việc các tài xế phản đối bằng cách đưa tiền lẻ qua trạm đang bị công an xem xét, mổ xẻ hành vi. Trong đó, có hành vi tài xế dừng xe rất lâu tại trạm khi trạm đã xả cửa, gây ách tắc giao thông.
Vậy hành vi này được xem xét thế nào?
Trạm BOT Biên Hòa hiện đang ngưng hoạt động
Chiều 11-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (nơi đặt trạm BOT Biên Hòa), cho biết thực hiện chỉ đạo của cấp trên, hiện đơn vị vẫn đang trong quá trình làm rõ, chưa thể nói gì nhiều về vấn đề này.
"Chúng tôi đang làm, không thể nói nhiều hơn, đối với pháp luật ai làm sai tới đâu phải chịu trách nhiệm tới đó, còn hiện chưa thể nói gì về việc khởi tố hay không", thượng tá Hải nói.
Trong khi đó, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng việc tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm dù gây ùn tắc chắc chắn không thể bị khởi tố. Tuy nhiên, luật sư Quân cũng lưu ý các hành vi phản ứng, thể hiện quan điểm của giới tài xế không nên thái quá, khi có các động thái diễn biến đẩy bản chất sự việc sang một phạm trù khác.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với chúng tôi, một số tài xế khi được công an huyện mời lên làm việc cho biết họ cũng đã không thể đến theo thư mời của đơn vị chức năng do "hẹn ngày quá gấp gáp" - mời chiều hôm trước hẹn sáng hôm sau- hoặc do bận việc quá.
Trong một diễn biến khác, trong ngày 11-10, nhiều tài xế lái xe chở công nhân tại KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) cũng cho hay họ đã ký vào đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai yêu cầu di dời trạm thu phí BOT Biên Hoà về đường tránh TP Biên Hoà (đường Võ Nguyên Giáp) theo đúng nguyên tắc làm đường ở đâu thu phí ở đó.
Theo nội dung đơn, các tài xế cho biết họ là chủ các phương tiện chở công nhân từ các huyện Thống Nhất, thị xã Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ đến làm việc tại KCN Bàu Xéo, cách trạm thu phí khoảng vài trăm mét. Mặc dù không đi trên đường tránh nhưng mỗi tháng mỗi phương tiện phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua vé tháng qua trạm.
Gần chục lần, giới tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm để phản đối trạm này đặt sai vị trí đã khiến trạm hiện ngưng hoạt động
Liên quan trạm BOT Biên Hòa đang phải ngưng hoạt động trong những ngày qua do tài xế dùng tiền lẻ phản đối mà chưa biết ngày nào hoạt động trở lại, UBND tỉnh Đồng Nai cùng chủ đầu tư và các bên cũng đã họp để tìm hướng xử lý.
Cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Vĩnh chủ trì đã nghe các bên báo cáo và đề xuất phương án xử lý tình huống cũng như bất cập xung quanh tình trạng trạm BOT bị tài xế dùng tiền lẻ để phản đối.
Tại buổi làm việc, các bên đã đề cập vấn đề về các phương án giảm giá dịch vụ đường bộ tại trạm, về an ninh trật tự tại địa bàn xung quanh việc tài xế liên tục dùng tiền lẻ để phản ứng. Tuy nhiên, vẫn chưa đưa ra được phương án nào cụ thể để trạm thu phí hoạt động trở lại.
Như Báo Người Lao Động đã liên tục thông tin, tuyến tránh TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) dài 12 km do Công ty Đồng Thuận làm chủ đầu tư sau đó đèo thêm 10 km cải tạo Quốc lộ 1. Dự án được đưa vào sử dụng năm 2014, đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom cách tuyến tránh 10 km khiến không ít người phải mua vé oan dẫn đến bức xúc.
Bình luận (0)