Ngày 13-9, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến xung quanh báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH.
Xây dựng luật có lợi cho bộ, ngành mình
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển băn khoăn khi một số chính sách mới được đưa ra trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này nhưng lại tác động đến ngân sách trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn. Luật này tác động đến nhiều luật khác, nội dung lại đề cập thuế, chính sách tiền tệ, các cơ chế và các lĩnh vực chuyên ngành.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng tính phối hợp của các "nhạc trưởng" hiện không bảo đảm. "Mỗi bộ, mỗi ngành đề xuất một dự án luật đều đưa ra những cái có lợi cho công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của bộ, ngành đó nhưng không nhìn trên tổng thể chung" - ông Hiển nhấn mạnh.
Một vấn đề khác được ông Phùng Quốc Hiển chỉ ra là sửa đổi, bổ sung luật quá nhiều và liên tục, dẫn đến không bảo đảm được tính ổn định của pháp luật. Hệ thống pháp luật của chúng ta đã khá đầy đủ, toàn diện nhưng khâu tổ chức thực hiện chưa tốt nên khi gặp vướng mắc là sợ, rồi đề xuất sửa đổi, bổ sung.
"Chẳng hạn Luật Đầu tư công, do vướng mắc nên phải sửa nhưng không biết sau khi sửa sẽ như thế nào? Có hoàn thiện hơn không? Luật Phòng chống tham nhũng cũng vậy, khóa trước đã sửa, khóa này cũng sửa. Nhiều luật hiện nay tồn tại không quá 5 năm, mà bản thân những luật này không có vấn đề gì, chỉ là thực hiện chưa tốt" - Phó Chủ tịch QH dẫn chứng.
Đồng tình với vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng "tuổi đời" của luật hiện nay quá ngắn, sửa liên tục. Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, đưa ra một con số về luật phải sửa đổi chiếm tới 60%-70% mỗi kỳ họp. "Kỳ họp sắp tới đây, có 9/15 luật phải sửa đổi, bổ sung, luật mới chiếm tỉ lệ rất ít. Luật phải sửa nhiều do chất lượng chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật. Vấn đề này cần phải được khắc phục trong thời gian tới" - ông Hà Ngọc Chiến kiến nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, bà Lê Thị Nga, cho biết vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật khá quan trọng nhưng chưa được ban hành; có bộ, ngành thiếu chủ động trong thi hành nghị quyết nên lúng túng; chất lượng một số dự án luật chưa bảo đảm cả về chuẩn bị, nội dung, thời gian khi trình...; đánh giá tác động của nhiều dự án luật còn hình thức.
"Giờ có tâm lý là các bộ, ngành làm gì vướng một cái là đề nghị sửa luật ngay. Chúng ta dễ dàng cho sửa luật và Chính phủ cũng dễ dàng đồng ý. Cần chú ý để giữ sự ổn định của hệ thống luật" - bà Nga nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họpẢnh: Quochoi.vn
Một buổi cho ý kiến 3-4 luật
Tham gia thảo luận, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng Chính phủ đã quan tâm thực hiện công tác xây dựng luật, pháp lệnh nhưng thời gian dành cho việc này vẫn còn ít. "Một buổi chiều, Chính phủ có thể cho ý kiến 3 - 4 dự án luật nên khó bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, thời gian dự các buổi khai trương, cắt băng khánh thành quá nhiều" - ông Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn.
Tán thành với quan điểm này, nhiều ủy viên Thường vụ QH kiến nghị Chính phủ cần dành quỹ thời gian thỏa đáng để cho ý kiến chất lượng với các dự án luật trước khi trình QH.
Bên cạnh các nội dung về chất lượng các dự án luật, tiến độ xây dựng, các Ủy viên Thường vụ QH cũng nêu nhiều băn khoăn về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật làm sao để nâng cao hiệu quả thực thi. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị: "Cần có quy trình tuyên truyền như thế nào để phù hợp với từng cấp và phải có kinh phí để thực hiện việc này".
Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương, bộ máy tuyên truyền phổ biển pháp luật đều có đầy đủ nhưng thực hiện ở một số nơi chưa tốt, chưa đi vào cuộc sống. Từ đó, ông Học nhắc lại báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp vừa rồi liên quan đến thực hiện Luật Tố tụng hành chính, cho thấy chủ tịch UBND và cấp phó được ủy quyền không gương mẫu trong chấp hành pháp luật, thậm chí bản án có hiệu lực cũng không chịu thi hành.
"Luật ban hành dù đúng hay sai, phù hợp hay không thì công dân phải thi hành, nếu không sẽ bị xử lý. Cán bộ nhà nước không thực hiện thì có bảo đảm tính công bằng hay không? Người đứng đầu chính quyền không gương mẫu, tôn trọng pháp luật thì đòi hỏi người dân thượng tôn pháp luật thế nào?" - ông Học đặt vấn đề.
Ban hành văn bản trái pháp luật: Xử nghiêm
Liên quan đến việc Bộ Tư pháp phát hiện 5.693 văn bản trái pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành, Trưởng Ban Dân nguyện của QH Nguyễn Thanh Hải cho rằng nguyên nhân là do chưa quyết liệt trong xem xét trách nhiệm của cán bộ, công chức tham gia tham mưu, soạn thảo, thẩm định những văn bản này. Theo bà Hải, nếu xem xét trách nhiệm của cán bộ nghiêm minh và thực hiện bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước trong một vài vụ điển hình, chắc chắn tình trạng này sẽ được cải thiện.
Bình luận (0)