xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc chiến giành "ma" làng

HOÀNG THANH - CHÍ PHONG

Phải mất nhiều công sức, chính quyền địa phương ở các xã vùng sâu tỉnh Kon Tum mới thay đổi được quan niệm "ma" làng, trả con cho Giàng, giành lại mạng sống cho những đứa trẻ vô tội

Những năm tháng lặn lội khắp các cánh rừng ở vùng Bắc Tây Nguyên, chúng tôi tìm hiểu rất nhiều phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số. Ám ảnh và đau xót nhất là những câu chuyện liên quan đến tục sinh 2 phải giết 1 để trả lại cho thần linh (Giàng).

Đau lắm nhưng biết làm sao!

Đã nhiều năm trôi qua nhưng ông A Bắc, làng Xốp Nghét (xã Xốp, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) vẫn không quên được nỗi đau tột cùng khi phải bỏ đi chính giọt máu của mình. Năm 1983, vợ ông sinh một lúc 2 bé trai khỏe mạnh. Chưa kịp vui mừng thì gia đình ông lại phải chọn một đứa để trả cho Giàng. "Đau đớn lắm nhưng biết làm sao được, mình không làm theo luật của làng thì không sống được trong làng đâu" - ông Bắc nói.

Cuộc chiến giành ma làng - Ảnh 1.

Hủ tục trả con cho Giàng được xóa bỏ, các cháu sinh đôi ở xã Xốp được sống trong sự yêu thương của cha mẹ và dân làng Ảnh: CHÍ PHONG

Cùng cảnh ngộ là gia đình bà Y Gốc ở thôn Kon Liêm, xã Xốp. Cách đây khoảng 10 năm, bà sinh đôi con trai, người làng biết chuyện đã buộc vợ chồng bà giết bỏ một đứa. "Mình không muốn làm đâu nhưng không làm sẽ bị đuổi ra khỏi làng nên phải làm theo. Nếu không giết nó đi thì bây giờ nó cũng đã lớn rồi" - bà Gốc ngậm ngùi.

Ông A Be, người rất am hiểu những tục lệ của người Tà Rẻ ở xã Xốp, kể ngày xưa, sinh đôi thì phải bỏ cả hai đứa chứ không chỉ một. Khi đó, người làng quan niệm những đứa trẻ sinh đôi là con ma, sẽ báo hại cho dân làng. Cha mẹ của những đứa trẻ này cũng phải lên rừng sống, sau 2 tháng mới được trở về và làm heo, gà cúng đuổi con ma đi. "Việc sinh đôi mà phải giết một là khoảng thời gian sau này. Khi sinh 2, bắt buộc phải giết đi 1 đứa rồi phải làm heo, làm gà để cúng xua đuổi con ma, nếu không, làng có chuyện gì thì họ sẽ đổ lỗi cho gia đình có 2 đứa con sinh đôi đấy" - ông Be nói.

Dĩ vãng đau xót đã lùi xa

Khi chúng tôi hỏi chuyện về tục trả con cho Giàng, ông A Đối - Phó Chủ tịch UBND xã Xốp - cho biết đó là chuyện dĩ vãng. Nhờ sự vận động của chính quyền các cấp, hơn chục năm nay ở xã không còn trường hợp nào như thế nữa. Để chứng minh, ông A Đối đưa chúng tôi đến nhà của vợ chồng A Thía - Y Nép ở làng Kon Liêm. Năm 2004, vợ chồng A Thía - Y Nép sinh đôi con gái. Sau khi sinh, vợ chồng có chuẩn bị rượu thịt báo cáo cho làng biết và xin phép nuôi cả 2, nay 2 cháu đang học THCS.

Chị Nguyễn Thị Oanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xốp, nói đã từng nghe về hủ tục sinh 2 phải giết 1 nhưng từ khi về trạm làm đã 7 năm nay, chị gặp vài trường hợp sinh đôi nhưng không có ai phải bỏ 1 con.

Theo lời ông Đối, để bà con thay đổi hủ tục trả con cho Giàng, chính quyền địa phương đã lý giải đó là quan niệm trái với lẽ thường đạo lý. Đặc biệt, trong các buổi tuyên truyền, cán bộ xã, cán bộ y tế lấy minh chứng rõ ràng về việc sinh đôi không hề ảnh hưởng đến sự bình yên của dân làng. Hai đứa trẻ sinh đôi cũng như bao đứa trẻ khác chứ không phải là ma như dân làng vẫn nghĩ. Đặc biệt, cộng tác viên y tế còn lấy ví dụ cụ thể về nhiều gia đình có con sinh đôi vẫn sống rất tốt. "Với việc tuyên truyền liên tục cùng những minh chứng rõ ràng, bà con dần hiểu ra và đến bây giờ thì đã bỏ được hủ tục lạc hậu đó" - ông A Đối cho biết. 

Y Nôn hồi sinh

Chỉ vì thầy bói phán ma rừng đã ăn hết ruột gan mà Y Nôn ở làng Nước La, thôn Kon Sũh, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum bị bố mẹ bỏ mặc nằm ngoài bìa rừng tới lúc gần chết thì được cứu giúp.

Chuyện bắt đầu vào khoảng tháng 2-2014, khi ấy, Y Nôn đang học lớp 5 thì trên thân thể bắt đầu nổi những vết lở loét rồi lan rộng dần ra. Ông A Hành (bố của Y Nôn) bắt em nghỉ học và mời thầy về cúng theo phong tục của dân tộc Mơ Nâm xứ này.

89-chan-box

Y Nôn suýt mất mạng vì quan niệm lạc lậu ở làng Nước La Ảnh: HOÀNG THANH

Cúng mấy lần nhưng bệnh của Y Nôn không thuyên giảm, khi được chính quyền vận động, ông A Hành mới đưa con đến Trung tâm Y tế huyện Kon Plông khám và được chẩn đoán bị "viêm da, nhiễm trùng toàn thân" phải chữa trị bằng thuốc. Tuy nhiên, sau đó A Hành lại nghe lời thầy bói nói "Y Nôn nhà mày bị ma rừng ăn tim, ăn gan rồi, có chữa trị thì cũng chết thôi" nên trốn viện đưa con về. Cho rằng Y Nôn bị ma làng bắt, A Hành dựng một cái lán ở bìa rừng cho Y Nôn ở.

Cuối tháng 2-2014, bà Võ Thị Lễ, lúc đó là Bí thư Đảng ủy xã Đắk Long, biết chuyện đã hết lời vận động gia đình đưa Y Nôn đi bệnh viện chữa trị. "Con bé 11 tuổi mà lúc đó chỉ còn khoảng mấy kilôgam thôi, dòi bọ khắp người. Tôi phải nhờ các bác sĩ "còn nước còn tát" - bà Lễ đau xót nhớ lại.

Khi khỏi bệnh, Y Nôn trở về, người làng nhìn thấy đều tìm cách xa lánh vì cho rằng con ma rừng vẫn còn trong người em. "Lúc đó, tôi phải dắt cháu đi từng gia đình, vừa ôm hôn cháu vừa giảng giải cho bà con hiểu từ đó bà con mới không sợ nữa" - bà Lễ kể.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-11

Kỳ cuối: Những đứa trẻ bước qua hủ tục

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo