Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa ký, ban hành Quyết định số 3125/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống họp trực tuyến TP Hà Nội. Quy chế được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị và cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống họp trực tuyến TP Hà Nội và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố.
Một cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến ở Hà Nội
Về nguyên tắc thực hiện, UBND TP Hà Nội thống nhất quản lý hệ thống họp trực tuyến TP Hà Nội theo mô hình tập trung. Các phiên họp trực tuyến có nội dung bí mật nhà nước phải bảo đảm phương án bảo vệ phương tiện, thiết bị, đường truyền sử dụng tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp quy định tại Điều 17 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Điều 6 của Nghị định số 26/2020/NĐ-CP, Điều 13 của Quyết định số 18/2022/QĐ UBND.
Việc khai thác, sử dụng hệ thống họp trực tuyến TP Hà Nội đúng mục đích, quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị...; bảo vệ bí mật nhà nước và an toàn, an ninh thông tin theo quy định của pháp luật. Tư liệu, tài liệu điện tử phục vụ phiên họp trực tuyến do cơ quan, đơn vị là điểm cầu chính lưu trữ và được thống nhất đưa vào quản lý, cung cấp cho các cơ quan, đơn vị khác khai thác khi có nhu cầu.
Kết nối các hệ thống họp truyền hình của Chính phủ, Thành ủy Hà Nội, các doanh nghiệp viễn thông để tổ chức cuộc họp trực tuyến từ Chính phủ, bộ, ngành trung ương đến cấp xã trực thuộc TP Hà Nội. Phân quyền điều khiển các phiên họp trực tuyến trên hệ thống họp trực tuyến TP Hà Nội đến các điểm cầu cấp thành phố, cấp huyện...
Văn phòng UBND TP Hà Nội có trách nhiệm quản lý, vận hành và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị khai thác, sử dụng hệ thống họp trực tuyến TP Hà Nội. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP Hà Nội và các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này trong phạm vi quản lý.
Điều 17 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, quy định hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức Việt Nam:
1. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Được sự đồng ý của người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 của Luật này về việc sử dụng nội dung bí mật nhà nước.
b) Thành phần tham dự là đại diện cơ quan, tổ chức hoặc người được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bí mật nhà nước.
c) Địa điểm tổ chức bảo đảm an toàn, không để bị lộ, bị mất bí mật nhà nước.
d) Sử dụng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước.
đ) Có phương án bảo vệ hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
e) Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được thu hồi sau hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người tham dự hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và sử dụng bí mật nhà nước theo quy định của Luật này và yêu cầu của người chủ trì hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
4. Chính phủ quy định chi tiết các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này.
Điều 6 của Nghị định số 26/2020/NĐ-CP, quy định địa điểm, phương án bảo vệ và phương tiện, thiết bị sử dụng tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước:
1. Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước được tổ chức trong phòng họp kín tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức. Trường hợp tổ chức ở ngoài trụ sở làm việc, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có trách nhiệm đề nghị cơ quan Bộ Công an, Công an cấp tỉnh kiểm tra an ninh, an toàn trong và ngoài khu vực diễn ra hội nghị, hội thảo, cuộc họp; hội nghị, hội thảo, cuộc họp do Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì tổ chức do cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện.
2. Phương tiện, thiết bị sử dụng trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước
a) Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải sử dụng micro có dây và các phương tiện, thiết bị được cơ quan Bộ Công an, Công an cấp tỉnh kiểm tra an ninh, an toàn trước khi lắp đặt, trừ phương tiện, thiết bị do Ban Cơ yếu Chính phủ trang bị; hội nghị, hội thảo, cuộc họp do Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì tổ chức do cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện. Trường hợp hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tuyến phải bảo vệ đường truyền theo quy định pháp luật về cơ yếu.
b) Người tham dự không được mang thiết bị có tính năng thu, phát tin, ghi âm, ghi hình vào trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật. Đối với hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Mật, việc sử dụng phương tiện, thiết bị được thực hiện theo yêu cầu của người chủ trì.
c) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức chủ trì hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước quyết định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi âm, ghi hình; ngăn chặn hoạt động xâm nhập, thu tin từ bên ngoài.
3. Phương án bảo vệ hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước
a) Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, cơ quan, tổ chức chủ trì quyết định việc bố trí lực lượng canh gác, bảo vệ bên ngoài; dự kiến các tình huống phức tạp có thể xảy ra ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp và phương án giải quyết, xử lý.
b) Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước tổ chức từ hai ngày trở lên phải niêm phong phòng họp sau mỗi ngày tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
c) Người tham dự hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải đúng thành phần theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức chủ trì. Trường hợp hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật phải có biện pháp kiểm tra an ninh, an toàn.
Bình luận (0)