xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đặc sắc chợ Bến Thành

NGUYỄN THỊ HẬU

Đô thị Sài Gòn từ khi bắt đầu khởi lập đã là một trung tâm kinh tế của Đàng Trong và khu vực. Đến nay, dấu vết thành Gia Định không còn nhưng ngôi chợ hiện diện cùng thành xưa vẫn tồn tại, dù địa điểm đã thay đổi nhưng tên gọi vẫn được giữ nguyên: chợ Bến Thành

 Đây là một trong 2 ngôi chợ lớn, quan trọng nhất TP HCM và Nam Bộ trong kinh tế, giao thương. Chợ Bến Thành cùng một số công trình kiến trúc, cảnh quan khác được xem là biểu tượng lịch sử - văn hóa của đô thị Sài Gòn.

Chợ Bến Thành nguyên thủy nằm bên kênh Chợ Vải (nay là đường Nguyễn Huệ), đến năm 1914 thì xây dựng xong tại vị trí hiện nay. Khu chợ trước đó gọi là Chợ Cũ và chợ mới vẫn mang tên Bến Thành. Được xây theo kiểu "chợ nhà lồng" có mặt ở Nam Bộ từ nửa sau thế kỷ XIX do người Pháp đưa vào nhưng quy mô chợ Bến Thành lớn hơn nhiều nơi.

Đặc sắc chợ Bến Thành - Ảnh 1.

Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khác với những chợ làng, chợ quê họp ở bãi đất trống chỉ có vài lều lán dựng tạm, chợ nhà lồng theo cách gọi dân gian nhằm miêu tả hình dáng kiến trúc. Ngôi chợ được xây dựng có mái cao, che bằng lá hay sau này là ngói, tôn. Lòng chợ rộng trên nền cao để tránh ngập nước, không gian giới hạn bằng hàng cột xung quanh, chứ không phải là bức tường khép kín. Các thị tứ Nam Bộ đều có chợ nhà lồng như trung tâm của cộng đồng dân cư. Đến nay, nhiều nhà lồng chợ còn tồn tại với hình thức, quy mô, vị trí tương đồng, vẫn giữ vai trò chủ yếu trong giao thương của một vùng.

Tuy không được xây dựng sớm như nhiều công trình khác, hình thức kiến trúc cũng không quá độc đáo nhưng chợ Bến Thành được xem là một trong những dấu mốc trong sự phát triển của đô thị Sài Gòn. Yếu tố lịch sử của chợ Bến Thành được nhận biết qua hình thức kiến trúc, các loại vật liệu và kỹ thuật xây dựng, phù điêu trang trí, hệ thống các khu vực ngành hàng, sạp hàng trong và ngoài nhà lồng… Với 4 cổng chợ mở về 4 hướng, cổng chính là "bùng binh chợ Bến Thành" trở thành vị trí trung tâm của Sài Gòn trong tâm thức dân gian. Đến nay, nhiều người vẫn quen gọi đây là chợ Sài Gòn.

Một khảo sát về tương quan vị trí các công sở xây dựng thời Pháp với chợ Bến Thành cho kết quả rất thú vị. Nếu lấy chợ Bến Thành làm tâm thì trong bán kính khoảng 1,5 - 2 km đường chim bay đều là những công trình quan trọng: Nhà Xã Tây (nay là UBND

TP HCM), Dinh Toàn quyền (Bảo tàng Thành phố), Tòa án và Khám Lớn, Sở Hỏa xa và ga xe lửa, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm, Dinh Độc lập (Hội trường Thống Nhất)… Phía ven sông có nhà máy Ba Son, cột cờ Thủ Ngữ, Bến Nhà Rồng, các tòa nhà Hải quan, Ngân hàng, chú Hỏa (Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố)…

Vì vậy, tuy là một trong 2 ngôi chợ lớn nhất Sài Gòn - Chợ Lớn nhưng chợ Bến Thành chủ yếu bán lẻ vì gắn liền với khu vực các công sở hành chính, dân cư, công chức hoặc buôn bán nhỏ. Ở trung tâm thành phố nên chợ còn chức năng phục vụ du khách.

Có thể coi Bến Thành là ngôi chợ tiêu biểu cho văn hóa thương nghiệp Sài Gòn. Chợ có nhiều tiểu thương trải qua 2-3 thế hệ buôn bán ở đây nên duy trì được nhiều nét văn hóa tốt đẹp. Hiện tượng hàng giả, hàng nhái hay cách hành xử thiếu tế nhị của tiểu thương hiếm khi xảy ra. Tiểu thương ứng xử văn minh không chỉ với khách hàng mua bán mà còn với nhau. Lời chào hỏi "mua giùm, bán giúp" thể hiện quan niệm mua bán là sự "giúp đỡ lẫn nhau" chứ không phải bán như ban phát ở thời bao cấp hay mua kiểu hách dịch xài tiền. Thuận mua vừa bán, vui vẻ và tôn trọng nhau qua cách xưng hô thân mật truyền thống của chợ Nam Bộ "dì, cháu, cậu, cô", qua câu cảm ơn của người bán và người mua, ngay cả khi chỉ hỏi thăm hay xem hàng mà không mua bán.

Nói đến chợ là nói đến hàng hóa và đặc sản ở đó. Chợ Bến Thành có tiếng về thức ăn tươi ngon mà không quá đắt. Món ăn ở đây thể hiện ẩm thực nhiều vùng miền nhưng nổi trội vẫn là ẩm thực Nam Bộ: bún mắm, bún thịt nướng, bún bì, hủ tiếu, bánh canh, nem nướng chạo tôm, bánh mì thịt, cơm tấm sườn bì, bánh xèo… Chợ Bến Thành có "chè Sài Gòn" mà du khách rất thích: bánh lọt sương sa hột lựu, chè xôi nước, chè bắp, chè đậu trắng, đậu xanh, đậu đỏ…; loại nào cũng có muỗng nước cốt dừa béo ngậy, vị ngọt thanh của đường cát, đường phèn hay ngọt đằm thắm của đường thốt nốt. Nhiều người dân và du khách đã lưu giữ ký ức đẹp về những món ăn ngon nơi này.

Dù không có vai trò như một đòn bẩy kinh tế nhưng là trung tâm thương mại lớn, chợ Bến Thành phản ánh quá trình phát triển của vùng đất và con người Sài Gòn -

TP HCM. Từ lúc khởi lập "trên bến dưới thuyền" đến khi hàng hóa, xe hơi, xe máy tập nập, nay là thời kỳ công nghiệp hóa và những tòa nhà cao tầng, ga metro hiện đại trong tương lai…, sự thay đổi cảnh quan xung quanh vẫn chưa làm giảm hay thay đổi tính chất của chợ Bến Thành.

Trong quá trình phát triển, trung tâm TP HCM và khu vực chợ Bến Thành đã có nhiều thay đổi về không gian, cảnh quan. Bùng binh chợ Bến Thành trong tương lai không còn nữa mà chỉ lưu lại hình ảnh trong những tấm thiệp, trên internet. Là khu vực có giá trị bất động sản rất cao, cảnh quan chợ Bến Thành đã bị xâm lấn bởi nhiều công trình hiện đại cao tầng. Cùng với đó là hàng loạt trung tâm thương mại trên các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, chưa kể theo quy hoạch sẽ còn có thêm một số trung tâm trong các ga metro đang xây dựng dưới lòng đất…, tất cả sẽ làm suy giảm vai trò thương mại của chợ Bến Thành.

Thế nhưng, chợ Bến Thành vẫn có giá trị lịch sử bởi tuổi đời của nó đồng thời với đô thị Sài Gòn phát triển, có giá trị văn hóa của một "chợ truyền thống", đặc biệt là ngành hàng ẩm thực và "văn minh thương nghiệp" giữa cộng đồng tiểu thương với khách hàng. Tất cả đều cần được tôn trọng, gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau.

Trong suy nghĩ của nhiều người, sự thay đổi của thành phố theo hướng hiện đại hóa là điều tất yếu. Song, trong mối quan hệ gắn bó, tình cảm thì tâm thức mỗi người luôn nhớ đến những cảnh quan quen thuộc và ký ức một thời đã qua. Với Sài Gòn, chợ Bến Thành là một nơi chốn như vậy - vừa là biểu tượng giúp người ta nhận diện và nhớ về thành phố vừa là một đại diện của quê hương để giới thiệu với bạn bè bốn phương.

Một phần di sản ký ức

Theo một nghiên cứu, khi được hỏi "vị trí, địa điểm nào ở TP HCM mà bạn muốn đến tham quan và cảm thấy quen thuộc?", rất nhiều người dân và du khách đã trả lời "chợ Bến Thành". Như vậy, chợ Bến Thành đã trở thành một phần di sản ký ức của Sài Gòn - TP HCM, là gạch nối những thế hệ dân cư và du khách. Đó là một giá trị văn hóa rất quý giá, cần phải gìn giữ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo